Hiệu quả từ một phong trào thi đua "Nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT Quốc gia"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm học 2015-2016, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đã phát động phong trào thi đua “Nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT Quốc gia”. Sau 2 năm thực hiện, phong trào này đã đạt được những kết quả nhất định.

Năm 2015 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia “2 trong 1” khi vừa lấy điểm để xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng. Ở năm đầu tiên thay đổi này, Gia Lai và Kon Tum thuộc cụm thi số 29 do Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh chủ trì. Kết quả, Gia Lai có 73,74% thí sinh đậu tốt nghiệp THPT. Năm 2016, Gia Lai vẫn thuộc cụm thi do Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh chủ trì, tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp THPT Quốc gia được nâng lên 88,56%. Năm 2017, tỉnh ta thuộc cụm thi số 38 do Sở Giáo dục-Đào tạo chủ trì với sự phối hợp của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Kết quả, tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp THPT tiếp tục được nâng lên, đạt 92,84%.

 

Khen thưởng những đơn vị có thành tích cao trong phong trào thi đua “Nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016”.                                                                    Ảnh: N.G
Khen thưởng những đơn vị có thành tích cao trong phong trào thi đua “Nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016”. Ảnh: N.G

Có được sự chuyển biến tích cực nói trên là nhờ ngành GD-ĐT tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất nhằm nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT. “Tấm bằng tốt nghiệp THPT được coi là tấm vé quan trọng để các em học sinh tiếp tục có được những lựa chọn tốt nhất cho tương lai của mình sau 12 năm đèn sách. Do đó, chúng tôi luôn mong muốn nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp bằng cách thay đổi cách dạy, cách ôn tập và chỉ đạo các đơn vị phải có sự quan tâm đặc biệt tới những em có nguy cơ rớt tốt nghiệp để kịp thời giúp đỡ, trang bị những kiến thức cần thiết nhất nhằm đáp ứng được yêu cầu của đề thi. Lý do Sở GD-ĐT phát động phong trào thi đua “Nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT” bởi khi có mục tiêu để phấn đấu, để thi đua mới tạo ra được động lực, điều này hết sức cần thiết, đặc biệt là trong ngành GD-ĐT”-ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, cho biết.

Cũng theo ông Huỳnh Minh Thuận, sau khi phát động phong trào thi đua “Nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT”, ngay từ đầu năm học 2015-2016, ngành GD-ĐT đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, các đơn vị có trách nhiệm hơn với học sinh khi xây dựng nhiều phương án dạy học và ôn tập hiệu quả. Kết quả, kỳ thi THPT Quốc gia 2016 có 2 đơn vị là Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh và Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai) đạt tỷ lệ 100% thí sinh đậu tốt nghiệp THPT, 40/46 trường THPT đạt trên 90% thí sinh đậu tốt nghiệp. Phong trào thi đua này tiếp tục phát huy hiệu quả khi năm nay tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT là 92,84% với 9 đơn vị có 100% thí sinh đậu tốt nghiệp THPT (tăng 7 đơn vị so với năm 2016).

Là một trong những trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Trường THPT Plei Me (huyện Chư Prông) đã gặt hái được thành quả xứng đáng sau những nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường cùng các em học sinh. Bày tỏ vui mừng khi 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT, thầy Nguyễn Thế Hùng-Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Phong trào thi đua nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đã khích lệ nhà trường phấn đấu, thay đổi từ cách quản lý đến cách dạy học và ôn tập. Chúng tôi phát động phong trào này tới từng giáo viên và học sinh nhằm nâng cao tinh thần dạy và học của từng cá nhân”.

Cũng bằng nhiều giải pháp mà cốt yếu là quan tâm đặc biệt tới những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT, Trường THPT Anh Hùng Núp (huyện Kbang) cũng đã đạt được kết quả ngoài mong đợi: 100% thí sinh đậu tốt nghiệp. “Trong năm học qua, ngoài việc tư vấn giúp học sinh lựa chọn những môn thi phù hợp khả năng, tổ chức ôn tập nghiêm túc, nhà trường đã cho học sinh thi thử nhiều lần, thường xuyên củng cố kiến thức cơ bản cho các em. Ngoài ra, chúng tôi cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên bằng cách quan tâm đến hoàn cảnh các em, có sự phối hợp, trao đổi kịp thời với phụ huynh để tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập. Kết quả này là động lực để tập thể sư phạm nhà trường phấn đấu nhiều hơn nữa trong những năm học tiếp theo”-Thầy Nguyễn Đình Thuận-Hiệu trưởng Trường THPT Anh Hùng Núp, cho biết.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm