Phát huy giá trị nhân văn sâu sắc của mùa Vu lan báo hiếu tứ ân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Nhân dịp Đại lễ Vu lan và Tự tứ tăng ni của Giáo đoàn III hệ phái khất sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại Gia Lai, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn Hòa thượng THÍCH GIÁC THÀNH (ảnh nhỏ)-Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Giáo đoàn III hệ phái khất sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành viên Ban Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai, Trưởng ban tổ chức Đại lễ.
 

Ảnh: T.N
Ảnh: T.N

- P.V: Xin Hòa thượng vui lòng cho biết về ý nghĩa của lễ Vu lan?

Hòa thượng THÍCH GIÁC THÀNH: Mùa Vu lan không chỉ có ý nghĩa đối với tăng ni, phật tử mà còn có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, thiết thực trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Hàng năm, lễ Vu lan thường được tổ chức sau mùa an cư kiết hạ của tăng ni. Lễ này bắt nguồn từ thời Đức Phật còn tại thế, thông qua câu chuyện vị đệ tử lớn của Đức Phật tên là Mục Kiền Liên muốn báo đáp hiếu nghĩa đối với người mẹ đã mất. Qua đó, Đức Phật đã dạy cho đệ tử luôn luôn ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và thiết lễ sau mùa an cư kiết hạ, cung thỉnh chư tăng ni chú nguyện cầu siêu cho ông bà, cha mẹ nhiều đời được siêu thoát.

Lễ Vu lan còn thể hiện tinh thần tri ân và báo ân công ơn của cha mẹ, ân đức của Đức Phật đã dạy con đường đạo đức và phương pháp hóa giải khổ đau cho nhân loại, công ơn của Tổ quốc và các liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho quê hương đất nước được an bình, cuộc sống mọi người được ấm no, an lạc, công ơn của mọi người chung quanh, của môi trường xã hội mà ta đang sống.

- P.V: Hòa thượng có thể giới thiệu rõ hơn về mùa Vu Lan năm nay tại Gia Lai?

Hòa thượng THÍCH GIÁC THÀNH: Cũng như mọi năm, lễ Vu lan Phật lịch 2561 được tổ chức đều khắp tại các chùa, tự viện, tịnh thất, tịnh xá, niệm phật đường. Ngoài việc tổ chức nghi lễ Vu lan theo truyền thống, các cơ sở tự viện Phật giáo tùy theo điều kiện thực tế mà tiến hành việc trang trí và các hoạt động tọa đàm, thuyết pháp, văn hóa, văn nghệ về Vu lan báo hiếu, nghi thức rước hoa đăng và phóng sinh cầu nguyện hòa bình quốc thái dân an, cùng các hoạt động từ thiện xã hội giúp đỡ người nghèo khó, neo đơn, tàn tật, cầu siêu cho hương hồn các anh hùng liệt sĩ…

 

Tăng ni và phật tử trong phần nghi lễ cầu nguyện hòa bình, quốc thái, dân an. Ảnh: T.N
Tăng ni và phật tử trong phần nghi lễ cầu nguyện hòa bình, quốc thái, dân an. Ảnh: T.N

Năm nay, tỉnh Gia Lai nói chung, tịnh xá Ngọc Phúc nói riêng được đăng cai tổ chức Đại lễ Vu lan và Tự tứ tăng ni Giáo đoàn III hệ phái khất sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. So với lần đăng cai tổ chức trước đây vào năm 2006 thì Đại lễ năm nay có quy mô toàn diện về mọi mặt. Trong đó, có hơn 700 tăng ni ở 140 tịnh thất, tịnh xá thuộc Giáo đoàn III hệ phái khất sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam về tham dự. Riêng bà con phật tử trong và ngoài tỉnh về dự lễ khoảng 10.000 người. Do vậy thời gian qua, tịnh xá Ngọc Phúc cùng đồng bào Phật giáo tại địa phương đã tập trung chuẩn bị mọi phương diện, đảm bảo nơi ăn nghỉ, vệ sinh môi trường sinh hoạt cho tăng ni và phật tử các tỉnh, thành phố tề tựu về dự Đại lễ.

Đại lễ năm nay được sự chấp thuận của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được UBND tỉnh cho phép và ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt. Chính quyền địa phương cũng đã có kế hoạch giúp đỡ về đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Đại lễ. Bên cạnh đó là sự đoàn kết chung sức chung lòng của đồng bào phật tử góp phần làm cho Đại lễ Vu lan và Tự tứ tăng ni sẽ diễn ra thành công tốt đẹp.

- P.V: Nhân dịp Đại lễ, Hòa thượng có lời nhắn nhủ gì với tăng ni và phật tử?

Hòa thượng THÍCH GIÁC THÀNH: Nhân Đại lễ Vu lan và Tự tứ tăng ni của Giáo đoàn III hệ phái khất sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra tại Gia Lai, tăng ni và phật tử rất phấn khởi vì hoạt động tôn giáo nói chung cũng như Phật giáo nói riêng đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo địa phương, thể hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Thay mặt Ban tổ chức Đại lễ, tôi xin gửi đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, cùng các cơ quan, ban, ngành lời tri ân chân thành của tăng ni, phật tử. Đặc biệt, mùa Vu lan năm nay diễn ra trong thời điểm toàn thể đồng bào cả nước kỷ niệm 72 năm Ngày Quốc khánh, đồng thời hướng tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017-2022).

Tôi mong toàn thể tăng ni, phật tử luôn phát huy giá trị nhân văn sâu sắc của mùa Vu lan báo hiếu tứ ân, cũng như tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật vào cuộc sống hàng ngày, dũng tiến trên con đường tu tập. Đồng thời, phấn đấu làm tròn nghĩa vụ của người công dân đối với Tổ quốc, sống “Tốt đời-Đẹp đạo”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật và đường hướng “Đạo pháp-Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” do Trung ương Giáo hội đề ra.

Thanh Nhật (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm