Xét nâng hạng cho giáo viên: Cần thực chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay đang có phong trào giáo viên tự bỏ tiền túi đi học các lớp bồi dưỡng để hội đủ điều kiện làm hồ sơ thi hoặc xét nâng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp. Ở Gia Lai, nhiều giáo viên từ Mầm non đến THPT cũng đang tìm hiểu và hoàn thiện hồ sơ để có thể nộp đơn xét nâng hạng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Trước đây, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Nội vụ, giáo viên các cấp muốn nâng hạng nghề nghiệp phải hội đủ các điều kiện rất khắt khe như: phải qua lớp bồi dưỡng nâng hạng ngạch và vượt qua kỳ thi khá bài bản, có cả thi ngoại ngữ và tin học theo quy chuẩn quốc gia. Điều đó đã cản trở ý chí phấn đấu để thăng hạng của thầy-cô giáo vì đa phần trong số đó không đủ các điều kiện như quy định; đồng thời ít giáo viên có khả năng vượt “vũ môn” về trình độ ngoại ngữ theo quy chuẩn A1, B1, B2 hiện nay.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đến cuối năm 2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 29/2017/TT-BGDĐT về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non, Phổ thông công lập. Theo đó, ngành GD-ĐT không phải tổ chức các kỳ thi nâng hạng cho giáo viên mà chỉ xét nâng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề cùng chức danh nghề nghiệp đang giữ. Tuy nhiên, ngoài lập hồ sơ đầy đủ theo quy định, giáo viên được xét nâng ngạch còn phải qua đợt phỏng vấn và làm một bài kiểm tra về kiến thức pháp luật liên quan đến ngành nghề. Điều kiện và tiêu chuẩn của giáo viên muốn xét nâng hạng là: cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm; được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ 3 năm liên tục trở lên; có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi. Đối với giáo viên các cơ sở giáo dục tham dự kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được tổ chức trước ngày 31-12-2018 thì chưa yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn cũng như điều kiện về thời gian giữ hạng liền kề hạng dự xét gần nhất tối thiểu từ 1 năm trở lên.

Trong thực tế, tại các cơ sở giáo dục công lập hiện nay, nhiều giáo viên Tiểu học, THCS và THPT đã tự học bằng nhiều hình thức (tại chức, từ xa) nhằm nâng cao trình độ nghề nghiệp. Nhiều người trong số đó đã có trình độ vượt chuẩn theo quy định hiện hành nhưng họ chưa được xét nâng hạng mà vẫn phải hưởng bậc lương cũ nên chịu nhiều thiệt thòi kéo dài.

Để tạo điều kiện cho giáo viên và khuyến khích họ tự học, tự nâng cao trình độ nghề nghiệp, ngành GD-ĐT cần tham mưu cho chính quyền và các ngành liên quan hàng năm có thể mở nhiều đợt xét nâng hạng chức danh nghề nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên. Trong các tiêu chuẩn để xét nâng hạng, cần chú ý đến các yếu tố phụ như ngoại ngữ, tin học; cụ thể, không cần trình độ cao mà chỉ cần biết vận dụng để phục vụ thiết thực cho chuyên môn, nghiệp vụ của mình, ngoại trừ giáo viên Ngoại ngữ và Tin học. Như vậy sẽ tránh tình trạng giáo viên tự bỏ tiền mua bằng cấp, chứng chỉ để “làm đẹp” hồ sơ, vừa thiếu trung thực vừa không giúp ích gì cho việc nâng cao trình độ, năng lực... Trong khâu bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để cấp chứng chỉ xét nâng hạng cho giáo viên cần chú trọng đến nội dung thiết thực liên quan đến việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa mới sắp đến, tránh kiểu làm qua loa vừa tốn tiền vừa lãng phí thời gian của người học.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm