Từ Thách thức Bonn đến trồng 1 tỷ cây xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 11-2020, phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh trong 5 năm 2021-2025. Ngày 31-12-2020, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. 


Trong nỗ lực giảm thiểu sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cùng với giảm mất rừng, các hành động nhằm phục hồi cảnh quan rừng rộng lớn đã bị mất và suy thoái là rất cần thiết. Năm 2011, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã tổ chức nhóm các nhà lãnh đạo một số quốc gia họp tại Bonn (Đức) phát động chiến dịch toàn cầu Thách thức Bonn (Bonn Challenge).

Chiến dịch nhằm hướng tới mục tiêu khôi phục 150 triệu ha rừng và đất rừng đang bị suy thoái vào năm 2020; đồng thời tăng lên 350 triệu ha vào năm 2030 (với tiêu đề Restore our future-khôi phục tương lai chúng ta). Chiến dịch tiếp tục được mở rộng thông qua lời kêu gọi tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2020 tại Thụy Sĩ-1.000 tỷ cây xanh quy mô toàn cầu để bắt đầu thập kỷ phục hồi hệ sinh thái (2020-2030).

Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á chuyển đổi thành công từ trạng thái mất rừng cao sang tái sinh rừng (tự nhiên và nhân tạo) trên diện rộng. Đây là kết quả của những thay đổi trong chính sách kinh tế-xã hội, môi trường và các nỗ lực tái sinh rừng trong 30 năm sau đổi mới.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, việc góp phần vào phục hồi rừng toàn cầu cùng những thay đổi lớn trong mô hình phát triển quốc gia khiến Việt Nam cần tìm kiếm thêm giải pháp để đẩy mạnh phục hồi cảnh quan rừng.

Tháng 11-2020, phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh trong 5 năm 2021-2025. Ngày 31-12-2020, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Sáng kiến do Thủ tướng Chính phủ đề xuất đã mở ra cơ hội cho giai đoạn tăng cường nỗ lực mới này.

Người dân tham gia trồng cây trong khuôn viên Khu lưu niệm Anh hùng Wừu (xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa). Ảnh: Minh Triều
Người dân tham gia trồng cây trong khuôn viên Khu lưu niệm Anh hùng Wừu (xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa). Ảnh: Minh Triều

Trồng 1 tỷ cây xanh tương đương với khoảng 300-500 ngàn ha rừng tập trung (tùy theo mật độ trồng: 1.600-4.000 cây/ha); tỷ lệ che phủ không tăng nhiều, khoảng 2%, nhưng quan trọng là giá trị về môi trường sẽ lớn hơn (1 ha rừng trồng tùy tuổi, mật độ và trạng thái có thể hấp thụ hàng trăm tấn CO2, một trong những chất gây hiệu ứng nhà kính).

Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam hiện khoảng 42%, nhưng chất lượng rừng thấp (tỷ lệ rừng nghèo kiệt đến 50%). So với 2 nước Lào và Campuchia thì tỷ lệ che phủ rừng nước ta thấp hơn nên cần “tiếp tục trồng cây gây rừng”. Theo đó, mỗi người bình quân hàng năm trồng 2 cây, liên tục trong 5 năm.

Gia Lai có diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp chiếm 47,8% nhưng tỷ lệ che phủ rừng 40,8% (Quyết định số 911/QĐ-BNN-TCLN ngày 19-3-2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT), thấp hơn bình quân toàn vùng Tây Nguyên (46,01%). Ngoài ra, Gia Lai còn trên 146.000 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng nên bên cạnh việc đẩy mạnh tái sinh rừng tập trung cần quan tâm phong trào trồng cây phân tán, nhất là ở những khu vực, địa bàn có tỷ lệ cây xanh so với dân số còn thấp.  

Vấn đề là trong tổ chức thực hiện cần có kế hoạch sát hợp cho từng địa phương, đơn vị. Nên bố trí trồng ở các đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, bệnh viện, hệ thống giao thông, đất trống... với sự tham gia của cộng đồng.

Rừng trồng tập trung ở Gia Lai chủ yếu gồm 4 loài: cao su, bạch đàn đỏ, thông 3 lá, keo lai; đa số cây trồng là các loài ngoại nhập. Do đó, cần ưu tiên chọn các loài thân gỗ bản địa, bố trí trồng phù hợp với không gian, môi trường. Qua đó góp phần vào sự bảo tồn và phát triển các loài cây bản địa.

PGS-TS. NGUYỄN DANH

Có thể bạn quan tâm