Kinh tế

Dùng tiền thật mua tiền ảo: Sự hám lợi mù quáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, Gia Lai liên tục xuất hiện các nhóm kinh doanh đa cấp bằng các loại tiền mà chúng ta chỉ nghe tên chứ chẳng sờ nắn được như là Bitcoin, Onecoin, Kyo Lyric, Swiscoin, Ostacoin, IL Coin... Pháp luật Việt Nam đến nay không thừa nhận tiền ảo. Vì vậy, trong những vụ vỡ nợ, các cơ quan bảo vệ pháp luật khó có cơ sở để bảo vệ những người sở hữu, kinh doanh tiền ảo Bitcoin, Onecoin...

Xét cho cùng, kinh doanh Bitcoin, Onecoin, IL Coin cũng là kinh doanh một thứ hàng hóa (với điều kiện pháp luật cho phép). Giá cả của nó có lúc lên lúc xuống nhưng chỉ trong biên độ có hạn. Đối với các loại tiền như: EURO, USD, yên Nhật, bảng Anh và nhân dân tệ được quốc tế thừa nhận chỉ cần biên độ thay đổi rất nhỏ, cả thế giới đều phải nín thở xem xét. Nếu xem Bitcoin  là “tiền” nghĩa là có thể quy đổi ra đồng tiền Việt Nam (hiện người chơi quy định giá 1 Bitcoin = 14 triệu đồng) thì giá trị của nó không thể  đột biến, nghĩa là đầu năm mua 1 cuối năm lãi 10 như giới thiệu của “nhà môi giới”.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực chất, hoạt động kinh doanh tiền ảo ở tỉnh ta thời gian qua chỉ là trò lừa đa cấp. Kiểu kinh doanh lấy tiền đóng góp của người sau trả cho người trước; lấy tiền 100 người trả cho 10 người, tiền góp từ ngàn người sau trả cho trăm người đầu... Đường dây đa cấp cứ thế lớn dần. Kẻ tổ chức chỉ bỏ ra ít tiền ban đầu làm mồi. Những người sau lóa mắt vì lãi khủng do số người đầu được hưởng nên cứ thế lao vào.

Người được chia lợi nhuận “khủng” có đủ bản lĩnh để rút ra khỏi cuộc chơi hay tiếp tục “đầu tư” vòng thứ 2, thứ 3... Tiền chia ra rồi lại nộp vô. Họ góp từ mười triệu lên trăm triệu, rồi từ trăm triệu lên cả tỷ đồng. Nhưng mấy người có được tiền thật vào túi mình. Chỉ là con số trong tài khoản ảo. Nhiều người tính ra có tiền đấy, nhưng rút ra đâu được, nhà cái cứ hẹn lần hẹn lữa, đến một ngày họ tuyên bố vỡ nợ, sập sàn, thế là xong.

Vừa qua, các huyện, thị xã phía Đông tỉnh “sập sàn” hơn 22 tỷ đồng tiền thật thuộc đường dây kinh doanh Bitcoin mà chủ nhân là Nguyễn Thiện Lâm (SN 1990, trú tại TP. Hồ Chí Minh) còn “đại lý cấp 1” tại An Khê do người tên Thủy “môi giới”. Một cán bộ điều tra cho biết, 80% người “chơi” tiền ảo là giáo viên, công nhân, viên chức; có hộ nghèo thấy người ta bảo góp tiền ít mà một thời gian sau được chia lãi khủng cũng hy vọng thoát nghèo nên vay mượn mua Bitcoin. Đến khi vỡ sàn, tiền mất, nợ nần chồng chất, có người đòi tự tử. Đa số người mua không biết Bitcoin, Onecoin là gì. Họ đưa tiền cho nhóm trưởng “mua” giúp, giờ nhóm trưởng bảo “bể” rồi, họ mới biết mình không thể lấy lại được tiền đã góp.

Chỉ có lừa đảo mới có siêu lợi nhuận kiểu nộp vào hơn 11 triệu đồng, đúng 365 ngày sau có hơn 118 triệu đồng (lợi nhuận hơn 1.000%) như các “nhà môi giới” mồi chài tại một cuộc giới thiệu mua Bitcoin gần đây trong một quán cà phê ở TP. Pleiku. Nếu kinh doanh lãi khủng như vậy, các ngân hàng họ mua Bitcoin, Onecoin, kinh doanh đa cấp hết, việc gì vất vả, nhiều rủi ro mà mỗi  năm cho vay chỉ thu lãi 7-9% !

Tiền ảo không đưa vào sản xuất kinh doanh nên không phát sinh lợi nhuận. Lãi đâu để trả cho nhà đầu tư? Ai là người nắm giữ “kho tiền” này và chịu trách nhiệm quy đổi, chi trả cho người góp vốn? Bởi, số người mua thì vô hạn, và kho tiền của người bán cũng không bao giờ cạn! Pháp luật không thừa nhận nên chỉ cam kết bằng miệng với nhau, truyền miệng cho nhau, từ người này lan truyền đến người kia bằng niềm tin, không có cơ sở pháp lý khi tranh chấp. Do vậy, khi đổ bể, hoặc có người chủ động “đóng sàn”, giựt hụi, người góp tiền thật hoàn toàn bị thua thiệt, số tiền ảo có được họ không thể quy đổi ngược để rút ra.

Thực chất việc được chia lãi khủng ban đầu là thủ đoạn mồi chài, không phải là mục tiêu việc kinh doanh này hướng tới. Nếu không có một số người được chia lãi lớn thì chắc chắn không có người tham gia đường dây.

Đối tượng mà bọn lừa đảo hiện nay nhắm tới là những người ít am hiểu về tài chính cộng với tâm lý “bầy đàn” của con người, thấy người này mua, người kia cũng mua theo. Nguy hại hơn, Gia Lai đang có tới 36 đường dây kinh doanh đa cấp, trong đó có kinh doanh tiền ảo. Đa cấp đang hướng về nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mà người dân rất thiếu thông tin nên dễ nghe theo những lời mồi chài ngon ngọt của số lừa đảo. Do vậy, khi sự việc đổ bể nảy sinh nhiều vấn đề hết sức phức tạp về an ninh, trật tự nông thôn.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm