Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Người dân kê khai sản xuất trên đất lâm nghiệp hơn 28.327 ha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 20-9, Ban chỉ đạo (BCĐ) thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng cấp tỉnh tổ chức họp về kết quả thu hồi đất rừng và trồng rừng từ năm 2017 đến nay và bàn kế hoạch điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong Kế hoạch số 1123/KH-UBND. Ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì cuộc họp. 
 Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: L.N
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: L.N
Tại cuộc họp, Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23-3-2017 của UBND tỉnh. Theo đó, từ năm 2017 đến nay toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 1.005 đợt với 75.470 lượt người tham gia; đã vận động, khuyến khích người dân kê khai diện tích nương rẫy đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp hơn 28.327 ha (năm 2017 là 22.022, năm 2018 là hơn 4.907 ha và năm 2019 là hơn 1.397 ha); đã trồng rừng được hơn 13.001 ha và năm 2019 đăng ký trồng rừng là 5.015 ha.
Tại cuộc họp, BCĐ cấp tỉnh đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc như: nhận thức của người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; khó tiếp cận đối tượng và không có đầy đủ hồ sơ vi phạm, không xác định được thời điểm chặt phá, lấn chiếm; hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế khó khăn, còn thiếu đất sản xuất, mức đầu tư cho một chu kỳ trồng rừng cao, thời gian dài; kinh phí hỗ trợ để thực hiện kế hoạch thu hồi còn hạn chế, chưa kịp thời…
Ông Nguyễn Duy Lân-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm báo cáo công tác thu hổi đất rừng và trồng rừng. Ảnh: L.N
Ông Nguyễn Duy Lân-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm báo cáo công tác thu hổi đất rừng và trồng rừng. Ảnh: L.N
 
Đồng thời, BCĐ đưa ra bàn luận điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong Kế hoạch số 1123/KH-UBND. Cụ thể, đối với diện tích rừng bị lấn chiếm nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp sau Chỉ thị số 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có lập đầy đủ hồ sơ vi phạm phải thu hồi để trồng rừng. Đối với diện tích rừng bị lấn chiếm nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp đã được người dân sản xuất ổn định trước Chỉ thị số 1685/CT-TTg, UBND cấp huyện, xã phải làm rõ hiện trạng sử dụng đất, phân loại đối tượng sử dụng, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để có giải pháp quản lý phù hợp. Diện tích đất dự kiến kê khai hơn 75.904 ha, diện tích dự kiến trồng rừng là 41.919 ha.    
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đánh giá cao sự cố gắng của các địa phương trong việc triển khai công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng thời gian qua. 
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: L.N
Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: L.N
Để triển khai hiệu quả việc thu hồi đất rừng và trồng rừng theo kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên BCĐ, các sở, ban ngành xem lại việc điều chỉnh có phù hợp hay không và việc điều chỉnh phải sát với thực tế địa phương. Cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý các giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng và phải xác định sử dụng giống cây lâm nghiệp phù hợp với sinh kế của người dân. Việc giao đất, giao rừng phải hiệu quả. Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm, phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra sự phát triển của những diện tích rừng đã trồng 2017 và năm 2018. Tập trung chỉ đạo công tác vận động, tuyên truyền đề người dân hiểu rõ chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện thu hồi đất rừng và trồng rừng…
LÊ NAM 

Có thể bạn quan tâm