Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Văn học nghệ thuật Gia Lai: Một năm nhiều thành công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm qua, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Gia Lai bội thu giải thưởng ở nhiều chuyên ngành. Thành công này khẳng định sức sống mới của dòng chảy VHNT tỉnh nhà, đồng thời là sự tưởng thưởng xứng đáng cho hành trình lao động sáng tạo miệt mài của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Gặt hái nhiều thành công nhất vẫn phải kể đến chuyên ngành Nhiếp ảnh. Các hội viên chuyên ngành này đã đạt được 98 giải thưởng trong nước và quốc tế tại nhiều cuộc thi khác nhau. Trong đó, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Trần Phong tiếp tục làm dày thêm thành tích cá nhân với 72 giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có 14 huy chương vàng. Năm qua cũng đánh dấu sự thành công lớn của Nguyễn Ngọc Hòa khi anh liên tiếp nhận về 7 giải thưởng cá nhân, trong đó có 4 huy chương vàng. Tiếp đến, các NSNA Phạm Dực, Nguyễn Linh Vinh Quốc, Ngô Huy Tịnh, Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Anh Tiến, Võ Đình Khoa tiếp tục nhận thêm một số giải thưởng uy tín, cho thấy sức sáng tạo và tinh thần lao động nghệ thuật bền bỉ của họ. Đặc biệt, năm 2019 đánh dấu chặng đường 35 năm cầm máy của NSNA Phạm Dực bằng tước hiệu danh giá “Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc”-tước hiệu cao nhất do Hội NSNA Việt Nam phong tặng cho hội viên. Như vậy, Gia Lai hiện có 2 NSNA được phong tước hiệu cao quý này. Năm qua, NSNA Trần Phong cũng được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế phong tước hiệu EFIAP/D2 (Nghệ sĩ xuất sắc hạng kim cương 2-Diamond), là tước hiệu đáng mơ ước cho bất cứ người cầm máy nào. Trần Phong cũng là một trong 2 NSNA của Việt Nam (cùng với NSNA Đào Tiến Đạt, tỉnh Bình Định) được phong tước hiệu này trong năm 2019.
    Các tác giả nhận huy chương đồng từ Ban tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực  Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 24 năm 2019 tại Gia Lai. Ảnh: M.C
Các tác giả nhận huy chương đồng từ Ban tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 24 năm 2019 tại Gia Lai. Ảnh: M.C
Chuyên ngành Mỹ thuật cũng có một năm khá rực rỡ. Thành công của các nghệ sĩ không chỉ nằm ở con số giải thưởng mà còn là dấu ấn sâu đậm khi tham gia các sân chơi mỹ thuật khu vực và cả nước. Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu tham dự triển lãm nhóm “Nga-Nhật-Việt Nam” tại Nhật Bản tháng 7-2019 và triển lãm “Tranh sơn mài truyền thống” tại TP. Hồ Chí Minh tháng 10-2019. Đặc biệt, tranh sơn mài của nữ họa sĩ đã được một nhà thiết kế chọn in trên áo dài trình diễn trong khuôn khổ Festival làng nghề truyền thống Huế 2019. Những sáng tạo của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đã trở thành cầu nối quảng bá văn hóa của vùng đất Tây Nguyên đến bạn bè một cách sang trọng. Bên cạnh đó, có 2 tác giả chuyên ngành Mỹ thuật nhận được giải C-giải thưởng hàng năm của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam là họa sĩ Lê Hùng và Mai Quý Ngọc. Riêng họa sĩ trẻ Mai Quý Ngọc còn “bỏ túi” thêm một giải thưởng giá trị đó là giải B (không có giải A) tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2019.
Theo nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội VHNT Gia Lai, ngoài 2 chuyên ngành kể trên, năm 2019, chuyên ngành Văn học cũng đã để lại nhiều dấu ấn. Đây cũng là chuyên ngành đông đảo nhất với 58 hội viên, là lực lượng nòng cốt trong hoạt động sáng tạo VHNT của tỉnh. Hội viên của chuyên ngành có nhiều tác phẩm thơ, tản văn, truyện ngắn, phê bình được công bố trên nhiều báo, tạp chí văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Năm qua, nhiều hội viên chuyên ngành Văn học cũng đã ghi dấu ấn bằng việc xuất bản sách. Riêng tác giả Hoàng Thanh Hương có 2 ấn phẩm xuất bản đó là “Ngày bình thường trở lại” (tập truyện ngắn, ký) và “Tượng gỗ dân gian Bana, Giarai” (nghiên cứu văn hóa dân gian). Các tác giả khác như Nguyễn Như Bá xuất bản tập thơ “Mây miền lạ”, Thu Loan xuất bản tập thơ “Nơi xưa là rừng”, Đào An Duyên xuất bản tập tản văn “Dòng sông trôi qua tôi”. Hai tác giả Hoàng Thanh Hương và Đào An Duyên cũng vinh dự nhận giải C của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam cho các tập sách đã xuất bản.
Chuyên ngành Âm nhạc cũng gặt hái “quả ngọt” khi nhạc sĩ Thảo Nam Giang xuất sắc giành giải A với tác phẩm “Tượng mồ” tại Liên hoan âm nhạc toàn quốc khu vực phía Nam 2019 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Theo nhạc sĩ Lê Xuân Hoan: “Bằng hoạt động chuyên môn, hội viên 2 chuyên ngành Âm nhạc và Múa đã bền bỉ hoạt động và đạt được nhiều kết quả đáng mừng, góp phần khẳng định vị thế của Hội VHNT Gia Lai trong đời sống văn nghệ của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ tích cực tham gia dàn dựng các chương trình nghệ thuật cho các sân khấu chuyên và không chuyên, góp phần xây dựng phong trào ca múa nhạc quần chúng, giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc”.
Các nghệ sĩ chuyên ngành Múa tham gia sáng tác và đạt được một số thành tích trong khu vực như: biên đạo múa Đặng Công Hưng với tác phẩm “Rừng vọng”, biên đạo múa Trắc Sỹ với tác phẩm múa “Brim Bram”, biên đạo múa Vũ Lợi vào vòng chung kết cuộc thi tài năng trẻ với tác phẩm “Mộ đêm”, Quỳnh Giao với tác phẩm “Con ơi mẹ đây rồi”. Đặc biệt, biên đạo múa Đặng Công Hưng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2019 cho những đóng góp xuất sắc đối với nghệ thuật múa. Theo Chủ tịch Hội VHNT tỉnh: “Nhìn lại 1 năm qua, các nhạc sĩ, nghệ sĩ có quyền tự hào về những thành tích đã đạt được. Bên cạnh đó là sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các cộng tác viên, ca sĩ: Lý Anh Đào, Bích Mận, Minh Hùng, Y Sih, Y Yun, Thùy Dương và Siu HBlup… Thành tích đạt được là nguồn động viên các nhạc sĩ, nghệ sĩ duy trì đam mê sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng”.
Bên cạnh các chuyên ngành trên, chuyên ngành Văn nghệ dân gian cũng đóng góp cho sự phát triển chung của VHNT tỉnh nhà bằng những nghiên cứu, sưu tầm được thực hiện khá thầm lặng. Sự đầu tư của tỉnh từ nguồn vốn nghiên cứu khoa học hoặc nguồn vốn từ các dự án của ngành giúp một số tác giả có điều kiện thuận lợi trong hoạt động này. Có thể kể đến một số tác giả với các công trình nghiên cứu có giá trị như TS. Nguyễn Thị Kim Vân hoàn thành đề tài khoa học cấp tỉnh, in sách “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến 1975”. Đây là một công trình đồ sộ nghiên cứu văn hóa-lịch sử dưới góc nhìn nhân văn, biện chứng. Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ cũng có một số công trình nghiên cứu, sưu tầm giá trị về văn hóa, văn nghệ dân gian, xuất bản sách tranh giải thích nguồn gốc tên gọi các địa danh Chư Đang Ya, Kon Ka Kinh một cách dễ hiểu, thú vị … Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan cho rằng, Hội đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, thường xuyên quan tâm tạo điều kiện cho anh chị em văn nghệ sĩ yên tâm sáng tạo. Bên cạnh đó, từ nguồn đầu tư của Chính phủ và kinh phí hoạt động hàng năm, Giải thưởng VHNT của Hội tiếp tục được duy trì là điều kiện quan trọng đối với sự phát triển của Hội trên các lĩnh vực: hỗ trợ sáng tác, công bố tác phẩm, bồi dưỡng phát triển hội viên và các hoạt động giao lưu văn hóa.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm