Báo xuân

Âm vang trống Đọi trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Danh tiếng làng trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) từ lâu chẳng còn xa lạ với nhiều người. Không chỉ gói gọn trong phạm vi nội tỉnh, trống Đọi còn theo chân những hậu duệ của làng đến “cư ngụ” ở nhiều địa phương trên cả nước. Và cách đây trọn 15 năm, tiếng trống ấy lần đầu tiên vang lên nơi Phố núi Pleiku đầy nắng gió, đánh dấu sự có mặt của mình tại vùng đất Tây Nguyên.

Gìn giữ nghề của cha ông

 

  Anh Long với công đoạn xẻ thanh gỗ để làm tang trống.  Ảnh: Hồng Thi
Anh Long với công đoạn xẻ thanh gỗ để làm tang trống. Ảnh: Hồng Thi

Sinh ra trong một gia đình làm trống lâu đời ở làng Đọi Tam, từ bé, anh Đinh Tiến Long đã biết yêu cái tiếng thùng thình, vang vang của trống. Tuổi thơ của anh và đám trẻ con trong làng là những tháng ngày ngồi ngắm nghía bố mẹ cùng mọi người làm trống; sau đó nhặt nhạnh mấy thanh gỗ bỏ, da thừa để làm đồ chơi. Nghề cứ thế ngấm dần vào máu những cậu bé, cô bé của làng, trong đó có anh. Để rồi khi lớn lên, anh nguyện dành cả cuộc đời mình gìn giữ nghề quý của cha ông, tạo ra những thanh âm mang đậm hồn cốt dân tộc.

Năm 1998, sau vài lần vào Gia Lai thăm người thân và nhận thấy được thị trường tiềm năng, chàng trai 23 tuổi quyết định rời quê hương vào Phố núi lập nghiệp. Với anh, đó là một bước ngoặt của đời mình. Anh Long nhớ lại: “Thời điểm đó nhiều lần dò hỏi, tôi được biết ở Pleiku chưa có cơ sở sản xuất trống chuyên nghiệp nào nên mới nảy ý định đưa trống làng mình lên quảng bá và phát triển ở đây”.

Ban đầu, anh Long gặp không ít khó khăn. Cơ sở sản xuất là một ngôi nhà cũ trên đường Lê Duẩn được anh thuê với giá 200.000 đồng/tháng. Những chiếc trống đầu tiên làm ra chẳng một ai ngó ngàng. Ròng rã mấy tháng trời, anh phải chở trống rong ruổi khắp các trường học, đình, chùa… để chào hàng. Thêm vào đó, vì chưa ổn định sản xuất và thông thuộc địa bàn nên suốt nửa năm đầu, nguyên vật liệu đều phải nhập từ Hà Nam vào, chi phí vận chuyển hết sức tốn kém. Thế nhưng, trời không phụ lòng người. Với quyết tâm và sự kiên trì, chịu khó của mình, trống của anh ngày càng được nhiều người biết và tin tưởng đặt hàng. Chỉ hơn một năm sau, khi hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, anh đã mua được đất để xây dựng cơ sở sản xuất tại số 591 Lê Duẩn cho đến giờ.

Giờ đây, trống của cơ sở Tiến Long đã có mặt hầu hết ở thị trường Gia Lai và các tỉnh lân cận như Bình Định, Kon Tum, Đak Lak… với đa dạng sản phẩm gồm: trống đại, trống đình, trống nhà thờ, trống chùa, trống trường, trống hội, trống múa lân-sư-rồng, trống khẩu, trống đế… Theo anh Long, khách đặt trống nhiều nhất là vào mùa tựu trường và Trung thu. Trung bình mỗi năm, anh bán khoảng 100 cái trống trường và 1.500-2.000 trống lân. Tùy theo loại trống và kích thước mà giá cả cũng rất phong phú, khoảng 50.000 đồng đến hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh Long còn sản xuất thêm loại trống truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (thân trống được đục từ một khối gỗ xoan mộc, mặt trống bịt bằng da bò) để phục vụ nhu cầu của người dân khi có lễ hội.

Làm trống cũng lắm công phu

 

Trống Đọi Tam khá đa dạng và phong phú.   Ảnh: Hồng Thi
Trống Đọi Tam khá đa dạng và phong phú. Ảnh: Hồng Thi

Đưa khách đi tham quan một vòng nơi sản xuất, anh Long cho biết, nghề làm trống đòi hỏi người thợ phải thật chịu khó và tỉ mẩn, quan trọng là cái tâm với nghề. Để hoàn thiện một chiếc trống cần trải qua 3 công đoạn chính, đó là: làm tang (thân) trống, làm da và bưng trống.

“Gỗ để làm tang trống phải là gỗ mít, tốt nhất là gỗ lõi mít vì nó nhẹ, xoắn thớ, khi đóng đinh không bị nứt. Hơn nữa, gỗ mít ít co giãn và đàn hồi nên tang trống sẽ giữ được hình dáng theo thời gian. Tuổi đời cây mít càng cao thì âm thanh tạo ra cho trống càng đanh và vang. Các loại gỗ khác, độ vang và bền không bằng”-anh Long cho hay. Gỗ mít được anh mua tại các huyện: Đak Đoa, Chư Pah, Chư Sê, Ia Grai… với giá 8-10 triệu đồng/m3; sau đó đem về xẻ hộp vuông vức và chia thành những thanh nhỏ có độ cong nhất định, sao cho khi ghép lại giữa các thanh phải khít với nhau và trống được tròn đều.

Da trâu tốt nhất để làm trống phải lấy ở phần lưng của con trâu, bởi đó là loại da có độ dai, bền và trải qua thời gian thì tiếng trống vẫn không bị thay đổi. Sau khi mua da tươi ở các cơ sở giết mổ về phải rửa sạch, bào mỏng, tẩm thuốc chống thối và chống mốc rồi đem phơi khô ít nhất 1 ngày (nếu trời nắng to). “Khi bào da phải chú ý bào thật đều, tránh chỗ lồi chỗ lõm để trống rung và vang. Da sau khi phơi khô cũng phải tránh ẩm, tránh nước để da không bị mốc và mục”-anh Long nói thêm.

Bưng trống là công đoạn được xem là khó nhất. Người thợ tiến hành cắt phần da trâu tùy vào đường kính từng mặt trống. Da trâu cắt xong được đem ngâm nước lại cho mềm, dẻo, sau đó được đục lỗ vòng quanh để luồn dây buộc vào thân trống. Khi cột dây phải làm sao cho da căng hết cỡ trên mặt trống. Da có căng đều thì mặt trống mới tròn, tiếng trống mới giòn vang. Tiếp đến, dù trống to hay nhỏ, người thợ cũng phải đứng lên giậm nhảy bằng gót chân để mặt trống phẳng nhẵn và khỏi bị chùn trong quá trình sử dụng sau này.

Mỗi chiếc trống hoàn thành phải thẩm âm và thử tiếng. Anh Long nhận định: “Đây là một khâu cực kỳ quan trọng và không phải ai cũng làm được. Nó đòi hỏi người thợ phải có cái tai thẩm âm thật tốt như tai một nghệ sĩ”.

Trăn trở chuyện giữ nghề

 

 Nghề làm trống đang đứng trước nguy cơ bị mai một khi thế hệ trẻ thiếu mặn mà. Ảnh: Hồng Thi
Nghề làm trống đang đứng trước nguy cơ bị mai một khi thế hệ trẻ thiếu mặn mà.
Ảnh: Hồng Thi

Từ ngàn xưa, hình ảnh chiếc trống đã gắn bó khăn khít với đời sống tinh thần của những người con đất Việt. Trống thúc giục lòng dân ra trận bảo vệ đất nước; trống reo hò mừng thắng lợi trở về; trống rộn ràng lễ hội, mừng Xuân; trống linh thiêng ở đình chùa; trống gọi trẻ đến trường; trống lân rằm phá cỗ; trống đệm tấu trong hát xoan, bài chòi và cả những vở chèo, tuồng cổ… Thế nhưng ngày nay, nghề làm trống đang đứng trước nguy cơ dần mai một. Anh Long bộc bạch: “Thị trường cung lớn hơn cầu, thậm chí một số nơi còn sử dụng các vật dụng khác như chuông, kẻng… báo hiệu thay cho tiếng trống. Bọn trẻ bây giờ chẳng mặn mà nhiều với nghề như anh em tôi ngày trước. Lớn lên đi học, ra trường là chúng đi làm theo ngành, ít đứa nào quay về với cái nghề truyền thống này. Giờ vợ chồng tôi chỉ biết làm, sức khỏe mình tới đâu thì mình giữ nghề của ông bà đến đó thôi”. Còn cậu con trai đầu của anh Long-em Đinh Văn Khả-thủ thỉ: “Em chỉ phụ bố mẹ làm, chứ cũng không chắc mình theo nghề làm trống. Thấy bố mẹ vất vả quá, em chỉ muốn mình học thành tài rồi làm một công việc gì đó nhẹ nhàng hơn mà vẫn đủ thu nhập chăm lo cho gia đình”.

Tâm sự với tôi, anh Long bảo rằng, tới lúc này, anh vẫn không hề hối hận vì quyết định rời quê nhà vào Gia Lai lập nghiệp. Bởi đơn giản, anh đã mang tiếng trống làng mình “gieo mầm” thành công trên một vùng đất mới. 15 năm tuy không phải là một chặng đường dài, song cũng đủ để tiếng trống làng Đọi kiêu hãnh ngân vang giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ…

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm