Báo xuân

Tết ở vùng biên giới Đức Cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời tiết không nắng nóng như các năm trước nên việc vui Xuân của người dân huyện biên giới Đức Cơ trở nên rộn ràng hơn. Ngoài đi thăm chúc Tết lẫn nhau, nhiều gia đình còn lên Pleiku, xuống Qui Nhơn, Nha Trang… để vui chơi, thăm thú. Các hộ trồng cà phê thì bận bịu hơn vì lo tưới tắm đợt 2 cho cà phê.

Vừa đón Tết, vừa ra đồng

 

A
Một người dân ở Đức Cơ tranh thủ nguồn nước suối ít bị khai thác ngày Tết để tưới cho đồng ruộng. Ảnh: Lê Hòa


“3 ngày Tết, 7 ngày Xuân” nhưng với nhà nông, đến ngày mùa vẫn khó lòng ngồi yên đón Tết. “Cà phê tới đợt tưới mà nước suối năm nay cạn nên tôi tranh thủ ngày Tết nhiều nhà nghỉ ngơi để kéo máy tưới. Bây giờ tưới tắm dùng máy điện, tưới phun béc nên cũng tiện và ít vất vả. Cứ kéo sẵn ra đấy cho quay, độ 8 tiếng thì chuyển béc một lần nên vừa chơi Tết, gia đình vẫn có thể lo được việc tưới tắm”-ông Nguyễn Văn Trường (thôn Păng Tul, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) nói.

Bắt đầu từ ngày mùng 3, mùng 4 Tết, nhiều hộ dân đã bắt đầu ra đồng làm lấy ngày. Người dân tin rằng, việc chọn ngày đẹp đầu năm phù hợp với tuổi mệnh gia chủ để bắt tay vào việc đồng áng sẽ giúp họ đem lại nhiều may mắn, thuận lợi, mùa màng bội thu. “Tôi sinh năm 1975. Ngày mùng 4 hợp với tuổi tôi nên sáng mùng 4 Tết, hai cha con đã ra vườn hái ít tiêu để lấy may đầu năm. Năm nay thời tiết khá nóng nên đến bây giờ, tiêu đã chín khá rộ. Hết Tết là nhà tôi bắt tay vào thu hoạch tiêu ngay”-anh Vũ Đình Thâu (thôn Lâm Tôk, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) chia sẻ. Nhà anh Thâu có trên 400 trụ tiêu đang cho thu hoạch. Với mức giá như hiện nay, nhà anh dự tính thu ngót trăm triệu đồng từ vụ tiêu này. Ngoài ra, sauTết cũng là thời điểm anh chị được thu hoạch điều. Mặc dù bây giờ điều chưa chín rộ nhưng có lẽ, lộc đầu Xuân của nhà anh Thâu khá dồi dào.

Không phải vất vả trong cảnh vừa đón Tết, vừa ra đồng như nhà nông, với những gia đình công nhân, viên chức hay những người làm nghề kinh doanh, ngày Tết họ có thể thoải mái tận hưởng những chuyến đi chơi xa. “Mình làm kinh doanh tự do nên Tết nhất mới có thời gian cùng với bạn bè tổ chức đi chơi xa. Gần thì lên Pleiku thăm chúc Tết bà con rồi đến các điểm vui chơi giải trí như công viên, quán cà phê đẹp… để vui cùng bạn bè. Xa hơn thì có thể là thành phố biển Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng… Tết này mình và nhóm bạn tới Qui Nhơn. Đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao; đường sá, phương tiện đi lại thuận tiện đã giúp chúng mình có những cái Tết vui tươi, mới mẻ hơn”-Phạm Thanh Lâm-một bạn trẻ ở làng Mook Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ cho biết.

Rau, hoa đắt đỏ

 

Chợ Đức Cơ đã bắt đầu mua bán khá nhộn nhịp từ sáng mùng 2 Tết. Ảnh: Lê Hòa
Chợ Đức Cơ đã bắt đầu mua bán khá nhộn nhịp từ sáng mùng 2 Tết. Ảnh: Lê Hòa


Với các bà, các chị làm nghề chạy chợ, ngay từ mùng 2 Tết, nhiều người đã gác lại chuyện chơi Xuân, tranh thủ đưa hàng hóa ra chợ bán. Giá cả trong các ngày Tết năm nay tại huyện biên giới Đức Cơ thay đổi thất thường, đặc biệt là với mặt hàng hoa tươi và rau củ. Trong ngày 28 và 29 Tết, giá rau xanh bắt đầu tăng mạnh. Giá các loại rau tính theo bó như: rau cải, rau muống, rau dền… tăng từ 4 ngàn đồng đến 5 ngàn đồng/bó ngày thường lên 8-10 ngàn đồng/bó. Bắp cải tăng từ 15 ngàn đồng-18 ngàn đồng/kg ngày thường lên 30-35 ngàn đồng/kg; dưa leo từ 10-15 ngàn đồng lên 45-50 ngàn đồng; súp lơ xanh được bán với giá dao động 40-50 ngàn đồng/kg…

Từ ngày mùng 2 Tết khi chợ mở trở lại, giá rau xanh vẫn duy trì mức giá đó, thậm chí có nhiều loại nhích cao hơn. Giá khoai tây, cà rốt, khoai sọ trong ngày mùng 2 Tết ở mức 40-45 ngàn đồng/kg, súp lơ xanh 50 ngàn đồng/kg, súp lơ trắng 40 ngàn đồng/kg, su hào 35 ngàn đồng/kg, các loại rau bó cũng duy trì ở mức 7-10 ngàn đồng/bó…

 

Hoa tươi và rau củ là những mặt hàng được bày bán nhiều nhất tại chợ Đức Cơ trong những ngày Tết vừa qua. Ảnh: Lê Hòa
Hoa tươi và rau củ là những mặt hàng được bày bán nhiều nhất tại chợ Đức Cơ trong những ngày Tết vừa qua. Ảnh: Lê Hòa


Cùng “đồng hành” tăng giá với rau xanh là mặt hàng hoa tươi, nổi trội là hoa lay ơn trưng Tết. Vào ngày 28 và 29 Tết, tại chợ Đức Cơ, giá hoa lay ơn loại nhỏ được bán với giá dao động từ 80 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng/bó 10 cây, loại lớn được bán khoảng 100-120 ngàn đồng/bó 10 cây. Riêng loại lay ơn tai vuông được bán với giá 150-200 ngàn đồng tùy độ đẹp của hoa. Hoa ly ly 4-5 tai đã nở được bán quanh mức 200 ngàn đồng/bó 5 cây, hoa ly đẹp chúm chím nụ có bình được rao bán 450-500 ngàn đồng/bó 5 cây từ 4-5 tai… Vì lay ơn và ly ly tăng giá mạnh nên nhiều người chuyển qua mua các loại bông cúc trưng Tết. Giá các loại cúc như cúc vạn thọ, cúc đại đóa, cúc nhỏ Đà Lạt… cũng đội giá lên gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Qua Tết, hoa lay ơn vẫn giữ mức giá cao, được các chủ hàng rao bán từ 70 ngàn đồng đến 80 ngàn đồng/bó 10 cây, lay ơn tai vuông giá 120 ngàn đồng/bó 10 cây. Do nhiều người mua hoa để cúng hết Tết nên dù đắt, lay ơn vẫn là mặt hàng được tiêu thụ khá mạnh.

Bên cạnh đó, trái cây, thịt cá cũng tăng giá nhẹ dịp sau Tết do người bán chỉ có ít, không chịu áp lực cạnh tranh nhiều như chợ ngày thường. Mức giá hiện được bán tại chợ Đức Cơ hiện cao hơn 15-20 ngàn đồng/kg so với giá ngày thường. Cá lóc, cá chép hiện được bán ở mức 70-80 ngàn đồng/kg; cá rô phi, cá trôi khoảng 65-70 ngàn đồng/kg… Các loại trái cây tăng cao hơn giá ngày thường khoảng 20-30%.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm