Thời sự - Bình luận

Chào cờ nơi phên dậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời thơ ấu, sống giữa chợ quê vùng nông thôn miền Trung quanh năm khí hậu khắc nghiệt, ước mơ của tôi khá đơn giản: Một lần trong đời đặt chân đến vùng biên ải phên dậu nước ta để nhìn ngắm, hít thở khí trời, đón cơn gió giữa hai quốc gia liền kề.

Ban Tổ chức chương trình
Ban Tổ chức chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đến với Cột cờ Quốc gia Lũng Cú để làm Lễ chào cờ, tặng cờ, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, tháng 10-2020. Ảnh: Ngô Nhung


Phải sau tuổi 20, khi làm trong ngành du lịch, tôi mới có dịp đặt chân đến các vùng biên ải phên dậu. Du lịch phên dậu mà được tham gia buổi chào cờ ngay vùng biên ải thì quả thật thêm ấn tượng khó quên trong chuyến đi! Đơn vị sáng kiến đầu tiên (và duy nhất tính đến thời điểm này) chính là khu nghỉ dưỡng 4 sao Sài Gòn - Bản Giốc nằm cạnh thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách con sông nhỏ bên kia là Trung Quốc. Lễ chào cờ đầu tiên diễn ra vào năm 2015 khi cả nước kỷ niệm 70 năm ngày thống nhất đất nước, thành phần tham gia lúc đầu dành cho cán bộ, nhân viên đơn vị, về sau mở rộng thêm khách lưu trú. Thật bất ngờ, hiệu ứng mang lại đặc biệt, tất cả đều dâng trào cảm xúc khi chào cờ, hòa giọng hát quốc ca bên tiếng nhạc hào hùng cùng tiếng nước đổ từ thác Bản Giốc. Đến nay, nghi thức chào cờ ngay sát biên giới trở thành sinh hoạt định kỳ của Sài Gòn - Bản Giốc.

Giữa tháng 11-2021, tôi may mắn được trở lại vùng phên dậu tham gia chương trình tri ân lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch ở các địa phương đã đến TP HCM hỗ trợ trong đợt dịch lần thứ 4. Đi qua các tỉnh vùng biên ải, đoàn chúng tôi có 3 lần tham gia chào cờ không thể nào quên.

Buổi chào cờ đầu tiên diễn ra tại nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), nơi yên nghỉ của 1.847 anh hùng liệt sĩ và một mộ liệt sĩ tập thể, trong đó có hơn 1.600 liệt sĩ từ các tỉnh, thành trong cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc.

Lễ chào cờ vùng phên dậu kế tiếp chúng tôi tham gia cũng ngay tại biên giới, nơi gắn Cột cờ Lũng Cú - vùng cực Bắc Tổ quốc. Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cột cờ Lũng Cú thân tình đón đoàn phương Nam bằng lễ chào cờ đáng nhớ ngay tại chân cột cờ. Tham gia lễ chào cờ trang nghiêm tại Lũng Cú và thật may mắn khi lá cờ Tổ quốc 9 m x 6 m (54 m2 đại diện 54 dân tộc) được gió đưa sà xuống thấp để mọi người có thể chạm tay vào. Hình thức chào cờ hát Quốc ca tại Cột cờ Lũng Cú hiện chỉ dành cho các đoàn khách công vụ hoặc trong những sự kiện đặc biệt. Thiết nghĩ, lực lượng biên phòng và ngành du lịch địa phương nên mạnh dạn tổ chức định kỳ trong khung giờ cố định hằng ngày nhằm tạo cơ hội cho du khách tham gia khi ghé thăm tuyến điểm lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này.

Phiên chào cờ lần ba chính là tại thác Bản Giốc. So với lần đầu tiên tôi đến đây vào năm 2016, lần này du lịch Bản Giốc mang nét mới khi chính thức đóng cửa cổng đoạn đường đất dốc sỏi dẫn xuống thác và xây mới con đường đi bộ khang trang dành cho khách đến tham quan. Bản Giốc vẫn giữ vẻ đẹp kỳ bí của núi rừng, sông suối vùng biên và phiên chào cờ trong buổi sáng cuối thu đầu đông lần này thì vẫn giữ "lửa" cho khách phương xa như ngày nào: cùng nhau hát Quốc ca, âm thanh hòa vào tiếng thác đổ, tiếng động vọng núi rừng, từ mảnh đất địa đầu mà ngàn xưa đã in dấu chân cha ông chúng ta.

 

Theo TIẾN ĐẠT (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm