Cháy nổ hiểm họa khôn lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy- Chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn, Cứu hộ- Công an tỉnh Gia Lai, trong năm 2011, trên địa bàn tỉnh xảy ra 32 vụ cháy, trong đó có 27 vụ cháy các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà dân, nơi công cộng và các phương tiện giao thông đường bộ; làm chết 2 người, bị thương 3 người; gây thiệt hại về tài sản lên đến khoảng 7,735 tỷ đồng.

Vụ cháy kho chứa nguyên liệu nhà máy giấy Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ Gia Băng, thuộc xã Ia Băng, huyện Chư Prông, vào lúc 12 giờ 19 phút ngày 28-8, đã gây thiệt hại lên tới 1,4 tỷ đồng. Vụ cháy cơ sở kinh doanh thiết bị điện tử dân dụng của ông Ngô Quang Ninh tại tổ dân phố 1, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 27-6, đã thiêu rụi số tài sản khoảng 2,2 tỷ đồng. Vụ cháy tại cơ sở kinh doanh nệm mút và hàng mã tại nhà bà Võ Thị Thi, số nhà 29-Ngô Gia Tự, phường Diên Hồng, TP. Pleiku vào lúc 20 giờ ngày 14-10, gây thiệt hại về tài sản khoảng 1,3 tỷ đồng... So với năm 2010, số vụ cháy giảm 2 vụ, thiệt hại về tài sản giảm 9,415 tỷ đồng.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy.

Qua kiểm tra, các cơ sở sau khi xảy ra những vụ cháy lớn nêu trên cho thấy, công tác PCCC tại các kho hàng, cơ sở sản xuất của tư nhân vừa thiếu, vừa yếu. Lực lượng PCCC cơ sở không đủ khả năng chữa cháy ban đầu khi xảy ra cháy. Mỗi kho hàng thường chỉ có một hoặc 2 nhân viên bảo vệ, thậm chí có kho chẳng có người nào vào lúc ngoài giờ làm việc, nên dù phát hiện cháy sớm cũng khó chữa cháy có hiệu quả. Mặt khác, tại các kho chứa hàng dù có trang bị hệ thống phương tiện PCCC, nhân viên đã được tập huấn nghiệp vụ nhưng vẫn lúng túng khi xảy ra sự cố...

Ngoài ra, tại các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, việc lắp đặt, sử dụng thiết bị điện trong nhà kho, bãi chứa tùy tiện, dễ gây ra cháy, nổ do điện. Hoặc do tiết kiệm chi phí mà chủ doanh nghiệp không lắp đặt các thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện, dây dẫn không đảm bảo tiêu chuẩn, nên việc chập điện xảy ra cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào...

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng-chống cháy, nổ, nhất là vào cao điểm mùa khô, dịp chuẩn bị hàng Tết, về phía các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh, xử lý nghiêm những đơn vị không tuân thủ quy định pháp luật về PCCC. Chính quyền các địa phương cũng cần có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ công tác PCCC của các doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời quan tâm tuyên truyền ý thức PCCC cho người dân. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần ý thức được việc phòng-chống cháy, nổ là vấn đề cấp thiết.

Văn Lương- Đình Phê
 

Có thể bạn quan tâm