Kinh tế

Nông nghiệp

Khởi nghiệp thành công từ chế biến hạt mắc ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với việc đầu tư chế biến hạt mắc ca, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhung-anh Nguyễn Văn Hiếu (thôn Thái Hà, xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã có nguồn thu nhập cao và ổn định. Các sản phẩm từ hạt mắc ca mang thương hiệu Nhung Nguyễn ngày càng được thị trường đón nhận.

Khởi nghiệp từ một sự... tình cờ

Tốt nghiệp ngành Kế toán Trường Cao đẳng Tài chính-Kế toán Quảng Ngãi (nay là Trường Đại học Tài chính-Kế toán) nhưng chị Nhung lại không có duyên với nghề đã học. Sau khi ra trường, chị làm nhân viên bán hàng cho 1 doanh nghiệp. Gần 5 năm gắn bó với công việc này, đến khi lấy chồng, chị mới bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình. Đó là một lần tình cờ giữa năm 2018, chị phát hiện số lượng lớn quả sa chi của một số hộ dân trong thôn rụng bỏ đầy mặt đất.

Xuất thân từ gia đình nông dân nên chị thấu hiểu nỗi vất vả của người dân “một nắng, hai sương”, tốn bao công sức chăm sóc đến khi cây sa chi cho thu hoạch lại không có người thu mua. Chị Nhung đến xin nhặt quả về lấy hạt rồi mày mò tìm cách chế biến. Không ngờ, sản phẩm làm ra lại được nhiều người đón nhận. Lúc này, chị Nhung bắt đầu thu mua với giá 30 ngàn đồng/kg, gom được khoảng 6-7 tấn thì hết nguồn nguyên liệu. Không còn nguồn nguyên liệu, công việc đang ăn nên làm ra của vợ chồng chị cũng bị gián đoạn.

Trong lúc đang loay hoay tìm hướng đi mới thì chị phát hiện một số hộ dân trên địa bàn trồng cây mắc ca. Đến kỳ thu hoạch cũng không có người mua, quả mắc ca hái về được người dân đập bỏ phần vỏ còn hạt thì chất đống ở góc sân hay góc nhà đến khi mốc meo rồi đổ bỏ. Qua tìm hiểu tài liệu, chị Nhung biết hạt mắc ca có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, đang được thị trường ưa chuộng. Vậy là, vợ chồng chị liền nghĩ đến việc chế biến loại hạt này.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhung khởi nghiệp thành công từ việc chế biến hạt mắc ca. Ảnh: M.P

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhung khởi nghiệp thành công từ việc chế biến hạt mắc ca. Ảnh: M.P

Chị Nhung cho biết, sau khi tìm hiểu quy trình chế biến, vợ chồng chị đầu tư máy móc rồi bắt tay vào sản xuất thử nghiệm. “Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm nhưng lại nóng vội, vợ chồng tôi thất bại với mẻ đầu tiên, gần 40 kg hạt bị hư phải bỏ đi, mất đứt hơn 10 triệu đồng. Mẻ sấy thứ 2 cũng không thành công. Không dưới 7 lần sản phẩm ra lò không đạt chuẩn thì vợ chồng tôi mới có được bí quyết riêng của mình”-chị Nhung chia sẻ.

Còn với anh Hiếu, từng có thời điểm không ủng hộ việc làm của vợ bởi lúc khởi nghiệp vốn đầu tư ban đầu cao, việc chế biến hạt mắc ca trên địa bàn cũng chưa ai làm. Rồi chứng kiến vợ nhiều lần thử nghiệm thất bại nhưng vẫn không nản, anh quay sang hỗ trợ. Sau nhiều lần thất bại, sản phẩm mắc ca của vợ chồng anh được khách hàng khen ngợi, đánh giá cao. Hiện tại, anh Hiếu chuyên tâm hỗ trợ vợ từ khâu thu mua, vận chuyển nguyên liệu cho đến việc sơ chế, đưa hạt vào lò sấy, còn chị Nhung thì phụ trách quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều hướng phát triển mới

Khi sản phẩm làm ra luôn “cháy hàng”, vợ chồng chị Nhung tiếp tục đầu tư thêm máy móc, thiết bị để nâng cao năng lực chế biến. Đến thời điểm này, chỉ tính riêng sản phẩm mắc ca sấy nứt, mỗi năm, cơ sở Nhung Nguyễn xuất ra thị trường trên 10 tấn với giá bán 220-240 ngàn đồng/kg, lợi nhuận 200-300 triệu đồng.

Chị Nhung cho biết: Thời điểm gần Tết, có tháng, cơ sở chế biến 3-4 tấn hạt; còn tháng bình thường dao động 3-4 tạ. Còn với nguồn nguyên liệu đầu vào, chị luôn ưu tiên thu mua của người dân các xã: Ia Hrung, Ia Pếch, Ia Yok (huyện Ia Grai); thời điểm hút hàng thì mua thêm của một số hộ dân ở thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh), TP. Pleiku hoặc xa hơn là huyện Đak Đoa, Kbang. Khách hàng thì rải rác ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Lào Cai.

Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, anh chị bắt tay vào làm hồ sơ, thủ tục để tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Năm 2021, sản phẩm hạt mắc ca sấy nứt Nhung Nguyễn đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. “Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản lượng tiêu thụ tăng lên gấp nhiều lần và còn được tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hội nghị, hội thảo. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục phát triển sản phẩm của mình”-chị Nhung cho hay.

Vợ chồng chị Nhung đầu tư thêm máy móc, thiết bị để nâng cao năng lực chế biến sản phẩm mắc ca. Ảnh: M.P

Vợ chồng chị Nhung đầu tư thêm máy móc, thiết bị để nâng cao năng lực chế biến sản phẩm mắc ca. Ảnh: M.P

Chưa dừng lại ở đó, mỗi năm, vợ chồng chị còn sản xuất 80-100 lít dầu mắc ca, giá bán 700-800 ngàn đồng/lít. Ngoài ra, các sản phẩm ngũ cốc mắc ca dạng hạt và bột (240 ngàn đồng/kg), hạt điều rang máy (220 ngàn đồng/kg) cũng được anh chị chế biến, cung cấp cho một số tiệm tạp hóa trên địa bàn.

Thành công với sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu mắc ca không những mang lại nguồn thu nhập ổn định cho vợ chồng chị Nhung mà còn là động lực khởi nghiệp cho thanh niên trên địa bàn. Ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-nhấn mạnh: “Hạt mắc ca sấy nứt của gia đình chị Nhung là sản phẩm đầu tiên của xã Ia Yok nói riêng, huyện Ia Grai nói chung được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là động lực để các cơ sở trên địa bàn đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện cũng phối hợp với doanh nghiệp mở cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP để hỗ trợ các cơ sở kinh doanh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời khuyến khích các cơ sở đầu tư chế biến sâu, tiếp tục nâng hạng các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao trong thời gian tới”.

Có thể bạn quan tâm