bát bún “3 miếng ốc, 3 miếng mọc” giá 100 ngàn; Quán cà phê phụ thu 100%, lại còn được tính hẳn vào… thuế VAT… Không thể nói khác, đó là chặt chém!
Tờ hoá đơn "chém" tới 100% VAT. Ảnh: Facebook nhân vật B.T |
Tờ hoá đơn này là từ một quán cà phê ở TPHCM được lập vào chiều tối ngày 1.2, tức ngày mùng 1 Tết.
Nhóm khách thanh toán cho một số đồ uống cơ bản: Sữa tươi đường đen, yaourt dâu, lipton, trà lài vải và milo dầm với số tiền 167 ngàn đồng.
Tuy nhiên, điều bất thường nằm ở số tiền thuế VAT ở mức 100%.
Không hề là chuyện nhầm lẫn 10 và 100% khi nhân viên quán giải thích với khách hàng đó là số tiền “phụ thu” quên không báo trước.
Thực giá 167 ngàn! Khách phải trả 334 ngàn! Đó chính là chặt chém. Huống chi thuế VAT, đã được giảm từ 10% xuống 8% từ vào đúng ngày 1.2, tức mùng 1 Tết.
Không biết từ bao giờ, Tết đã trở thành một cái cớ để chặt chém.
Vừa bữa trước, cũng đã xảy ra tình trạng một “bát bún phố cổ” với “3 con ốc, 3 miếng mọc, 3 gắp bún” bị chém tới 100 ngàn đồng.
Thực phẩm khan hiếm hơn, người phục vụ ít hơn... khiến chi phí ăn uống ngoài gia đình gia tăng mỗi dịp Tết đã như một tất yếu trong cả tâm lý người bán cũng như người mua.
Nhưng sâu xa, phép cộng của những khoản chi dội ngay vào chính chỉ số giá tiêu dùng khiến đồng tiền ngày càng mất giá.
Hôm qua, trên tuyến cao tốc Long Thành- Dầu Giây đã xảy ra hiện tượng các tài xế được nhân viên thu phí “thối” (trả lại) 1-2 viên... kẹo, thay vì khoản tiền thừa 1-2 ngàn đồng.
Số tiền trả lại 1-2 ngàn đồng không nhiều, nhưng việc thanh toán bằng kẹo, chính xác là một sự bắt ép khi kẹo, chưa và không bao giờ là một phương tiện thanh toán.
Câu hỏi đặt ra là những chiếc kẹo sau đó được dùng vào việc gì? Và nếu khách hàng thanh toán bằng kẹo thì liệu có được chấp nhận không?
Chúng ta đã có các quy định niêm yết giá bán, vừa như một sự minh bạch, vừa tránh nạn chặt chém! Chúng ta cũng lại vừa có yêu cầu “hoá đơn trong ngày”, thậm chí có cả đề xuất máy thanh toán kết nối với hệ thống của ngành thuế... vậy thì tại sao vẫn để xảy ra tình trạng giá Tết không khác gì “chặt chém”, lại để xảy ra tình trạng trả tiền thừa bằng kẹo?!
Từ 1.2, việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% chính thức có hiệu lực. Và nguồn lực 49.000 tỉ từ việc giảm từ những món vài trăm, vài ngàn tiền giảm thuế ấy sẽ trở thành một khoản tiền tiết kiệm trong chi tiêu hộ gia đình, sẽ trở thành một động lực để kích cầu tiêu dùng khi giá bán hàng hoá dịch vụ giảm. Nhưng để tránh tình trạng lạm phát, để số tiền giảm thuế thật sự trở thành nguồn lực thì trách nhiệm trong việc quản lý giám sát không thể để cho... báo chí hay mạng xã hội được.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/chi-co-the-noi-do-la-cai-may-chem-1001262.ldo
Theo ANH ĐÀO (LĐO)