Thời sự - Bình luận

Chỉ đạo quyết liệt, truyền thông tích cực, phòng dịch hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã nhiều lần vượt qua được các đợt "tấn công" của "giặc". Thành công đó bắt đầu từ sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, và sự tham gia truyền thông có hiệu quả của các cơ quan báo chí.
 
Truyền thông tích cực đã nâng cao ý thức phòng dịch của người dân Ảnh: LĐO
Truyền thông tích cực đã nâng cao ý thức phòng dịch của người dân Ảnh: LĐO
Người dân thực hiện phòng dịch tốt, chấp hành các quy định về phòng dịch của Bộ Y tế và các địa phương là do công tác truyền thông.
Khi dịch COVID-19 bùng phát ở các nước láng giềng, có nguy cơ đe dọa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo khẩn cấp và quyết liệt về phòng dịch. Ngày 23.4, trong thời gian tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN được tổ chức tại Indonesia, Thủ tướng đã có Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23.4.2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Chỉ 24 giờ sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, của bộ Trưởng bộ Thông tin Truyền thông, các cơ quan báo chí vào cuộc, lượng tin, bài tuyên truyền phòng chống COVID-19 tăng gấp 4 lần. Báo chí nhận thức rõ về trách nhiệm của mình, đó là truyền thông về quy định và hoạt động phòng dịch đến từng người dân.
Báo chí đưa tin chỉ đạo Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19, các thông điệp được lan tỏa, cho nên đã có những chuyển biến trong cộng đồng.
Cụ thể là nhiều địa phương quyết định dừng tổ chức bắn pháo hoa, dừng các lễ hội tập trung đông người. Các quyết định này đã góp phần hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời tác động tích cực đến người dân, nâng cao ý thức phòng dịch.
Báo chí ưu tiên lượng thông tin về phòng dịch COVID-19, phản ánh, phân tích, bình luận, lấy ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia y tế, để đưa đến cho người dân những thông tin cần thiết, quan trọng, để người dân biết tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng.
Các thông tin về bùng phát dịch ở Lào, Campuchia, Thái Lan, đặc biệt là Ấn Độ, được báo chí đưa đầy đủ, kịp thời, với mục đích để người dân theo dõi, biết được mối hiểm họa đang áp sát Việt Nam. Nhìn những hình ảnh nạn nhân COVID-19 ở Ấn Độ, ai cũng phải nhận thức rằng đất nước này không thể bị dịch tấn công và vỡ trận, nếu để bùng dịch thì sẽ là một kiếp nạn.
Sau một thời gian khá dài từ đợt bùng phát dịch ở Hải Dương, mọi sự trở lại trong không gian "êm đềm", đa số người dân có tâm lý chủ quan Việt Nam đã hết dịch. Đây là điểm "chết người", vì chỉ cần lơ là mất cảnh giác, dịch sẽ bùng rất nhanh. Chính vì thế, lượng thông tin dày đặc và dồn dập về đại dịch COVID-19 áp sát biên giới và có nguy cơ bùng phát trở lại đã đánh thẳng vào tâm lý chủ quan của đa số người dân. Ai cũng phải "bừng tỉnh" bước ra khỏi trạng thái "ngủ quên trên chiến thắng".
Nguy cơ của dịch bệnh vẫn treo lơ lửng trên đầu. Báo chí càng nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong phòng chống đại dịch COVID-19. Báo chí luôn tập trung tinh thần, sẵn sàng trên tuyến đầu chống dịch và phải hoàn thành nhiệm vụ.
LÊ THANH PHONG (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/chi-dao-quyet-liet-truyen-thong-tich-cuc-phong-dich-hieu-qua-904248.ldo

Có thể bạn quan tâm