Thời sự - Bình luận

Chỉ đích danh tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Báo cáo phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2020 của Chính phủ nhận định những nỗ lực đáng ghi nhận và kết quả tích cực. Điểm mới trong báo cáo năm nay của Chính phủ đề cập "kiểm soát xung đột lợi ích".

Nhiều trường hợp cán bộ cấp cao, đứng đầu chính quyền địa phương đã bị "tạm đình chỉ kịp thời", trong đó có cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được nêu đích danh như trường hợp Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến.

"Một bộ phận không nhỏ" cán bộ hư hỏng, tham nhũng không còn là khái niệm chung chung, nay được lượng hóa bằng con số và địa chỉ, danh tính cụ thể đã góp phần xây dựng niềm tin trong dân chúng. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng đạt 61,95% tổng số việc có điều kiện thi hành, so cùng kỳ năm trước tăng 222% với số tiền thu hồi 84,51% là những "con số biết nói" đáng ghi nhận.

Nhưng bên cạnh "điểm sáng" vẫn còn những "mảng tối" mà người dân đang đòi hỏi công tác PCTN được tiếp tục với quyết tâm cao, biện pháp mạnh mẽ, tạo bứt phá để đáp ứng kỳ vọng. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định còn có những biểu hiện "nhóm lợi ích", móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp. Tình trạng người có chức vụ, quyền hạn "bảo kê", bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra. Việc nêu gương chưa tốt, công khai minh bạch còn kém hiệu quả.

Thực tế các vụ việc tham nhũng nổi lên vừa qua cho thấy, một trong những "lỗ hổng" mà những kẻ chạy chức, chạy quyền tìm cách xuyên thủng là ở các khâu yếu kém của công tác tổ chức cán bộ, chế độ công vụ thiếu minh bạch rõ ràng, dễ lợi dụng. Cùng với công tác cán bộ, vi phạm tài chính đã xảy ra ở nhiều nơi. Tại đây, người đứng đầu cơ quan đã không giữ mình, dính tham nhũng hoặc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để cấp dưới làm trái các quy định về quản lý tài chính, tài sản gây thất thoát nghiêm trọng tiền, tài sản của nhà nước. Các đối tượng tham nhũng thường lợi dụng triệt để những hạn chế của tình trạng kinh tế kém phát triển, quản lý lỏng lẻo tạo ra nhiều sơ hở để biến quyền lực chính trị, vị trí công tác thành lợi ích kinh tế cho cá nhân.

Bên cạnh đó, những biểu hiện mới như "tham nhũng chính sách" cần được nhận diện, thực thi các giải pháp phòng chống, xử lý hiệu quả hơn. Các hành vi tham nhũng chính sách có thể không trực tiếp chiếm đoạt tài sản công như tham nhũng thông thường, mà nhằm tác động lên quá trình ra quyết sách về một vấn đề nào đó để chính sách đó có lợi cho đối tượng. Ở một khía cạnh nào đó, những kiểu "chạy" giấy phép, "chạy" dự án của các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem là một phần của tham nhũng chính sách…

Một cuộc chiến trước kẻ thù giấu mặt vô cùng phức tạp, cực kỳ gay cấn, một mất một còn nếu lâu nay còn bị hoài nghi về hiệu quả, thì nay đang nóng lên, tạo ra niềm tin ngày càng vững chắc hơn. Ghi nhận điểm sáng của công tác PCTN năm nay qua báo cáo của Chính phủ cũng cần nhận diện rõ "khoảng tối", tồn tại hạn chế, yêu cầu phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa 3 nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp và tư pháp để có giải pháp bứt phá hiệu quả hơn, đáp ứng kỳ vọng của người dân.

Theo TRẦN HIỆP THỦY (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm