(GLO)- Chi đoàn làng Hle Hlang (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) được xem là “Chi đoàn triệu phú” khi mỗi năm gây quỹ hàng trăm triệu đồng từ việc làm công, thanh niên mua được cồng chiêng, dựng cầu dân sinh, sửa chữa nhà rông…
Giữa trưa nắng gắt, gần 50 thanh niên làng Hle Hlang vẫn miệt mài làm việc trên đám mì rộng mênh mông. Họ chia thành nhóm nam nữ, bận rộn hốt từng đống mì lát đã phơi khô đổ vào các bao tải. Khác với sự ồn ào thường thấy ở đám đông thanh niên, họ làm việc khá yên lặng, mồ hôi nhỏ giọt trên những gương mặt rám nắng. Đám mì rộng hơn 2 ha do thanh niên nhận thu hoạch gây quỹ đã bước sang ngày cuối cùng.
Cầu dân sinh bắc qua suối Hle là công trình thanh niên của làng. Ảnh: H.N |
Anh Đinh Dý- Phó Bí thư Đoàn xã khoe: “Bảy ngày công lao động của thanh niên được tổng cộng 29 triệu đồng. Trừ chi phí nấu ăn, mua nước uống còn lại 20 triệu đồng gây quỹ”. Để có được số tiền này, thanh niên phải làm việc khá vất vả: nhổ mì, cạo vỏ, xắt lát phơi khô, đóng bao... Anh Lê Đình Nhượng-chủ đám mì cho hay: “Đây là năm thứ hai tôi thuê thanh niên làm công vì họ có tinh thần trách nhiệm. So với gọi công ngoài, thanh niên thu hoạch nhanh, gọn gàng hơn, công thuê cũng rẻ hơn”.
Anh Đinh Dý cho biết: “Mỗi năm mình tổ chức cho thanh niên làm công gây quỹ được 50 triệu đồng-100 triệu đồng. Từ làm cỏ, thu hoạch nông sản đến phun thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều rẫy ở cách xa làng mấy chục cây số, đi lại khó khăn lắm, nhưng mình nhận làm hết. Đối với thanh niên thì không có việc gì khó”. Anh Đinh Hlô-cựu Bí thư Đoàn xã Yang Trung, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã kể: “Cách đây 10 năm đã có phong trào này rồi. Thanh niên làng Hle Hlang còn có một khu đất rộng 2 ha. Trước đây đất ấy chỉ trồng mì và lúa rẫy, năng suất không bao nhiêu. Bây giờ thanh niên họ nhanh nhạy lắm, chuyển qua trồng giống mì cao sản, giống bắp lai hoặc các loại cây ngắn ngày năng suất cao hơn hẳn”. Dý nói thêm: “Nếu khí hậu tốt, một năm thanh niên trồng được hai vụ, trừ hết chi phí mỗi năm cũng cho thu nhập 19-22 triệu đồng”.
Chàng trai Bahnar Đinh Dý luôn tự hào về truyền thống đoàn kết của thanh niên làng Hle Hlang. Dý kể: “Cả làng có tổng cộng 60 đoàn viên thanh niên. Mỗi khi tổ chức đi làm công, rất hiếm khi có người vắng, trừ những trường hợp đang còn đi học, mình cho nghỉ, động viên họ đến trường. Mỗi năm thanh niên gây quỹ được một số tiền cũng khá, dùng vào nhiều việc có ý nghĩa nên thanh niên rất hào hứng tham gia hoạt động này”. Dý cho biết thêm: “Năm 2007. thanh niên mua được một bộ cồng chiêng gần 70 triệu đồng, năm 2011 góp cả tiền mặt và ngày công tổng cộng gần 100 triệu đồng cùng với làng sửa lại nhà rông; năm ngoái góp 70 triệu tiền mặt để mua gỗ, thép, đinh… làm cây cầu bắc qua suối Hle. Đây cũng là công trình thanh niên của làng. Nhờ cây cầu này mà mua mưa, không ai sợ khi qua suối Hle nữa. Tất cả số tiền mình vừa kể đều trích từ quỹ đoàn”.
Ảnh: Hoàng Ngọc |
Bộ cồng chiêng 28 chiếc được thanh niên bỏ vào một chiếc thùng gỗ đóng khá chắc chắn, cất giữ cẩn thận ở nhà rông. Hì hụi bê bộ chiêng ra khoe, Dý giải thích: “Người ngoài thường vào làng trộm cắp nên mình phải cất rất kỹ, tài sản chung của thanh niên mà”. Trong ngôi nhà rông dài rộng của làng, ngoài bộ chiêng có giá trị, nhiều vật dụng khác được thanh niên mua sắm khá đầy đủ: những chiếc nồi đại nấu cho cả trăm người ăn, một dàn âm thanh, tủ đựng, máy bơm nước. “Mỗi khi làng có việc thường phải nhờ đồ dùng của thanh niên”-Dý nói.
Những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được chi đoàn giúp đỡ bằng nhiều hình thức. Chàng trai Đinh Phêl-sinh năm 1987 do nhà nghèo nên tới giờ vẫn chưa bắt vợ. Anh nói: “Năm 2012, chi đoàn cho mình mượn 5 triệu đồng không tính lãi. Mình mua con bò cái giờ đã đẻ được một con bê con. Hết năm nay, mình bán bê để trả lại tiền cho chi đoàn tiếp tục cho người khác mượn”. Không chỉ Phêl mà những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn cũng được chi đoàn giúp đỡ bằng cách cho mượn tiền để mua giống, phân bón, giúp đỡ ngày công. “Sắp tới, chi đoàn tiếp tục góp tiền, góp công giúp làng sửa nhà rông, còn lại định mua vài con bò cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn nuôi để vươn lên thoát nghèo”-Dý.
Hoàng Ngọc