Thời sự - Bình luận

Chỉ vài người kê khai tài sản không trung thực là chuyện chẳng ai tin

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Kết quả kê khai tài sản được công bố mỗi năm thường là chỉ vài người kê khai không trung thực. Có nghĩa là gần 100% cán bộ kê khai tài sản trung thực, nói thực lòng là chẳng ai tin.

Năm 2018, Hà Nội chỉ phát hiện 1 trường hợp kê khai không trung thực trong tổng số hơn 34.000 cán bộ thuộc diện phải kê khai theo luật. Năm 2017, Hà Nội cũng báo cáo có 1 trường hợp kê khai không trung thực. Không chỉ Hà Nội, riêng năm 2017, cả nước cũng chỉ có 5 trường hợp vi phạm kê khai tài sản trên tổng số 1,1 triệu người thuộc diện bắt buộc kê khai.

Nêu lại con số trên để thấy rằng, cần phải siết chặt việc kê khai tài sản, nếu không thì công tác kê khai tài sản chỉ là hình thức, không giải quyết được bất cứ điều gì liên quan đến hoạt động phòng chống tham nhũng.

Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có hiệu lực từ 20.12 có đưa việc kê khai tài sản trở nên trung thực hơn hay không?

Những người sở hữu khối tài sản lớn, đương nhiên sẽ không kê khai hết, bởi vì họ không dại dột cho các cơ quan phòng chống tham nhũng thấy khối bất thường đó. Những tay cáo già tham nhũng không bao giờ tự đưa mình vào tầm ngắm.

Người có nguồn thu nhập từ tham nhũng không bao giờ đứng tên nhà cửa, đất đai, căn hộ với số lượng quá lớn, giá trị quá cao. Cách thông thường là họ sẽ để cho người khác đứng tên tài sản, có thể là vợ con, cha mẹ hoặc người thân, kể cả bạn bè.

Vì thế, kê khai tài sản họ đứng tên thì đúng là trung thực, nhưng bản chất là không trung thực vì tài sản mà họ sở hữu lớn hơn rất nhiều.

Nghị định 130 mở rộng đối tượng kê khai, như sẽ bắt buộc phải kê khai đối với tất cả cán bộ, công chức. Tuy nhiên, đối tượng cần kê khai không phải là anh công chức quèn, mà là vợ con, người thân của ông cán bộ to.

Đã có trường hợp con của cán bộ to, mới tốt nghiệp đại học đã đứng tên tài sản là biệt thự, ôtô xa xỉ, làm chủ doanh nghiệp với số vốn lớn, góp cổ phần giá trị cao vào các tập đoàn, chỉ cần hỏi nguồn thu nhập từ đâu ra là cứng họng. Không thể nói buôn chổi đót hay nuôi heo mà tích lũy được chừng đó tiền.

Nếu không kiểm soát được các kênh "tẩu tán" tài sản này thì chưa kiểm soát được tham nhũng. Chưa kể, không ai đi kê khai kim cương, vàng, tiền mặt, ngoại tệ.

Về chế tài, người kê khai không trung thực bị các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm...

Xử lý như vậy vẫn là quá nhẹ và rõ ràng chẳng mấy người sợ.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/chi-vai-nguoi-ke-khai-tai-san-khong-trung-thuc-la-chuyen-chang-ai-tin-863812.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm