Thời sự - Bình luận

'Chia lửa' giải ngân đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Dù chỉ tiêu giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 của TP.HCM chưa đạt 30% như kế hoạch, nhưng đã có những chỉ dấu để kỳ vọng tỷ lệ giải ngân sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm.
Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Đầu tiên là đề xuất trình HĐND TP.HCM xem xét cắt giảm hơn 8.400 tỉ đồng của các dự án không thể giải ngân để bổ sung cho dự án có tiến độ tốt và chuẩn bị thủ tục đầu tư mới. Theo danh sách đề xuất, những dự án nhận thêm vốn phần lớn đều có quy mô nhỏ như nâng cấp, cải tạo đường, hẻm cùng hệ thống thoát nước, xây dựng mới và sửa sang trường học, nhà văn hóa, trụ sở ấp... ở các quận, huyện. Đáng chú ý, chương trình nông thôn mới ở 5 huyện ngoại thành của TP.HCM dự kiến bổ sung hơn 94 tỉ đồng để cải thiện diện mạo nông thôn, nâng chất lượng đời sống người dân.

Việc điều chỉnh vốn đầu tư công ngay tại kỳ họp giữa năm cho thấy sự chủ động, linh hoạt của TP.HCM trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, không để bị động kiểu nước đến chân mới chạy.

Chỉ dấu thứ hai đến từ sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ của TP.HCM xuống cơ sở. Nhiều năm qua, tiến độ giải ngân đầu tư công ở TP.HCM gặp phải 2 trở ngại lớn gồm: bồi thường, giải phóng mặt bằng và quy hoạch. Nếu như trước đây, thẩm quyền giải quyết thuộc UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM thì nay được giao về cho quận, huyện để tăng tính chủ động, giải quyết kịp thời những vướng mắc từ thực tiễn.

Đơn cử như việc ủy quyền cho UBND quận, huyện quyết định giá đất cụ thể và thành lập hội đồng thẩm định giá đất đã rút ngắn thời gian phê duyệt đơn giá bồi thường từ 90 ngày xuống còn 45 ngày. Còn về quy hoạch, các quận, huyện được điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 phục vụ dự án đầu tư công, cũng như có quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các đồ án lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.

Đây chính là sự "chia lửa" giữa TP.HCM và các quận, huyện theo hướng bớt khâu trung gian, giảm thủ tục lòng vòng, tăng tính chủ động, mạnh dạn làm và dám chịu trách nhiệm của cấp dưới. Nhưng chừng đó chưa đủ, bởi cơ chế vẫn phải do con người vận hành, mà trực tiếp và quyết định là lãnh đạo quận, huyện. Nơi nào vận dụng tốt cơ chế, nơi đó đạt kết quả cao. Thực tế 2 năm qua, có những địa phương luôn dẫn đầu giải ngân đầu tư công như Q.Bình Tân, Q.Gò Vấp. Đặc biệt, với tỷ lệ giải ngân trên 70% trong 2 quý đầu năm trong tổng vốn hơn 3.200 tỉ đồng được giao, Q.Bình Tân có thể được coi là hình mẫu trong giải ngân đầu tư công ở TP.HCM.

Việc gợi ý giao thêm dự án từ các ban quản lý dự án lớn về cho quận, huyện được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ra tại phiên họp mới đây có lẽ cần thực hiện sớm. Bởi đối với người dân, cũng là người thụ hưởng giá trị từ những công trình, ai làm chủ đầu tư không quan trọng, họ chỉ quan tâm khi nào dự án hoàn thành, đảm bảo chất lượng.

Cách đây hơn nửa năm, Sở GTVT TP.HCM từng đề xuất thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành giao thông vận tải để "chia lửa" với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông hiện hữu. TP.HCM cũng hoàn toàn có thể cân đối lại dự án giữa các ban quản lý dự án lớn về giao thông, hạ tầng, công trình dân dụng với ban quản lý cấp quận, huyện. Khi đã tin tưởng giao thêm quyền thì việc giao thêm dự án cũng là một cách để kiểm chứng, đánh giá hiệu quả của sự giao quyền đó.

Có thể bạn quan tâm