Thời sự - Bình luận

Chiến thắng, hòa hợp và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta long trọng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Niềm vui ngày chiến thắng sau gần nửa thế kỷ đã trọn vẹn hơn khi chúng ta biết bỏ qua quá khứ, xóa tan bất đồng, hướng tới tương lai bằng những cái bắt tay hòa hợp, triệu người như một chung sức chung lòng xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn.       

Kỷ niệm chiến thắng 30-4 là dịp để mỗi người Việt Nam nghĩ về quá khứ, về tương lai mà biết tự hào về tất cả những gì dân tộc này đã làm được suốt 45 năm qua.
Kỷ niệm chiến thắng 30-4 là dịp để mỗi người Việt Nam nghĩ về quá khứ, về tương lai mà biết tự hào về tất cả những gì dân tộc này đã làm được suốt 45 năm qua.



Lịch sử đã chọn Việt Nam ở vào một vị trí địa chính trị đặc biệt, để rồi, hiếm thấy một dân tộc nào mà suốt mấy ngàn năm phải đương đầu với nhiều thế lực ngoại bang xâm lược như vậy. Thế nhưng, lịch sử cũng đã chọn cho Việt Nam một vị trí xứng đáng của người chiến thắng. Từ những năm đầu của kỷ nguyên tự chủ với chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất của Ngô Quyền đến các triều đại Lý, Trần, Lê sau này, lịch sử đã ghi nhận những cuộc kháng chiến và chiến thắng của dân tộc ta, làm nên hình ảnh của một nước Đại Việt hùng cường, khiến những kẻ thù mạnh nhất như Tống, Nguyên, Minh, Thanh… phải làm kẻ bại trận nhục nhã, “về đến nước mà vẫn tim đập chân run” (Bình Ngô đại cáo-Nguyễn Trãi).

Thế kỷ XX là thế kỷ của những sự khác biệt về ý thức hệ, mâu thuẫn không khoan nhượng giữa các thế lực thực dân, đế quốc lấy xâm lược, mở rộng thuộc địa làm mục tiêu với lực lượng tiến bộ đấu tranh giải phóng các dân tộc nô lệ, giành độc lập tự do và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc phô diễn quyền lực ấy, một lần nữa, đất nước hình chữ S nhỏ bé này lại phải chấp nhận nhát chém đớn đau với dòng Bến Hải, cầu Hiền Lương làm chứng nhân cho bao cuộc phân ly. 21 năm gian khổ, đầy máu và nước mắt, với sự hy sinh vô cùng to lớn về sức người, sức của, cùng sự hỗ trợ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn đã kết thúc bằng đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước. Một lần nữa, dân tộc Việt Nam lại tự hào trong vai trò người chiến thắng.

Công việc lớn nhất và khó khăn nhất sau mọi cuộc chiến tranh là việc hòa giải, hòa hợp. Xưa cũng thế mà nay cũng vậy. Nếu như sau 3 lần kháng Nguyên thành công, Vua Trần Nhân Tông đã cho đốt tất cả “tài liệu mật” của những người từng phản bội để giữ cho “trong ấm ngoài êm, kẻ thù không có cớ mà gây hấn” khiến nội bộ lục đục thì ở thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi gửi thư cho đồng bào Nam Bộ ngày 31-5-1946 đã viết: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài, nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc”.

Kỷ niệm chiến thắng 30-4 là dịp để mỗi người Việt Nam nghĩ về quá khứ, về tương lai mà biết tự hào về tất cả những gì dân tộc này đã làm được suốt 45 năm qua. Trong đó, bài học thành công lớn nhất, cơ bản nhất chính là tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, gạt bỏ quá khứ, chung tay xây dựng đất nước. Trên tinh thần ấy, chúng ta đã tập hợp được đồng bào vào mặt trận kiến thiết quốc gia, giữa 45 triệu người dân hai miền Nam-Bắc (sau năm 1975) và gần 100 triệu dân hiện nay trong nước, cùng với hơn 4 triệu người Việt Nam định cư ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Dẫu biết rằng, đó là công việc không hề dễ dàng, không tránh khỏi những đau thương, mất mát, những bi kịch trong mỗi gia đình hay mỗi vùng miền đất nước.

Từ một đất nước đói nghèo, lạc hậu, nhờ tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc, quy tụ lòng người, tranh thủ được các chuyên gia giỏi, huy động mọi nguồn lực làm đổi thay mạnh mẽ, toàn diện, đưa nước ta bước vào nhóm thu nhập trung bình, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay”-Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói như vậy.

Kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4, cùng với niềm vui lớn của dân tộc, đất nước, chúng ta không khỏi bồi hồi nhớ lại chính mảnh đất Gia Lai này đã từng ghi dấu bao chiến công của quân và dân các dân tộc trong tỉnh, tự hào đã góp phần làm nên khí thế tiến công như vũ bão của những đoàn quân giải phóng rầm rập khắp chiến trường Tây Nguyên, mở đường tiến về Sài Gòn, góp máu xương làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử, cùng cả dân tộc hân hoan cất cao bài ca thống nhất.

Tinh thần ấy, khí thế ấy đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai trên hành trình chinh phục tương lai.

 ĐÌNH CƯƠNG



 

Có thể bạn quan tâm