Giáo dục

Tuyển sinh

Chính phủ: Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đại diện các bộ, ngành đã trao đổi về công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi, bảo mật đề thi; phòng ngừa tình huống gian lận bằng thiết bị công nghệ cao; bảo đảm công tác y tế phục vụ kỳ thi.

Chiều 21/6, chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao công tác chuẩn bị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan; nêu rõ, đây là kỳ thi đặc biệt quan trọng khi cả xã hội đều quan tâm đến giáo dục, thi cử.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo Văn An (quận Tây Hồ). (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024 để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, đạt yêu cầu đề ra; tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục nỗ lực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi, bảo mật đề thi; tăng cường các giải pháp ngăn chặn, chống gian lận thi cử, không để thí sinh mang các thiết bị công nghệ để gian lận vào phòng thi; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra trước và trong kỳ thi.

Lưu ý cần chủ động phương án ứng phó với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra như diễn biến bất thường của thời tiết, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành Y tế chú ý triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho các trường hợp thí sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi khi có vấn đề về sức khỏe.

Bộ Công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho kỳ thi.

Phó Thủ tướng đề nghị Trung ương Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tích cực tham gia hỗ trợ thí sinh để các em có thể tham gia kỳ thi đầy đủ, an toàn.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 và theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, là năm cuối cùng tổ chức kỳ thi theo chương trình này.

Bắt đầu từ năm 2025, kỳ thi sẽ được thực hiện theo phương án và chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 đã công bố.

Theo đó, kỳ thi năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.

Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.071.393 (tăng hơn 45 nghìn thí sinh so với năm 2023). Thí sinh tự do có 46.978, chiếm 4,38% tổng số thi sinh.

Thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020, chiếm 94,66%; những thí sinh còn lại đăng ký trực tiếp là thí sinh tự do và một phần nhỏ là học sinh lớp 12 không thể đăng ký trực tuyến vì nhiều lý do khác nhau.

Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 66.927, chiếm 6,25%.

Có 2.323 điểm thi và 45.149 phòng thi trong kỳ thi.Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 là kỳ thi lớn với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh trên khắp 63 tỉnh, thành phố.

Theo đó, mỗi năm khoảng 200 nghìn cán bộ được điều động tham gia công tác tổ chức thi như cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục, lực lượng Công an, Quân đội, Y tế, Điện lực…

Riêng thành phố Hà Nội, trong Kỳ thi năm nay đã điều động 15.115 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi và gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024, ngày 15/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuyển đề thi chính thức đến các Sở Giáo dục và Đào tạo để thực hiện in sao đề thi. Ngày 23/6, Bộ sẽ chuyển đề thi dự bị đến các Sở.

Đến thời điểm này, có 6 nội dung đã triển khai tốt là: Hệ thống văn bản để tổ chức kỳ thi được ban hành sớm, đầy đủ từ Trung ương đến địa phương; bộ máy điều hành công tác chuẩn bị thi đã được tổ chức rất sớm; công tác chuyên môn từ tập huấn, phần mềm, thanh, kiểm tra coi thi, chấm thi đã hoàn thành; trang thiết bị, cơ sở vật chất cho kỳ thi được tăng cường; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và công tác truyền thông rất tốt.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, đến thời điểm này, đã sẵn sàng để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chu đáo, thân thiện.

Tinh thần là “tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi, đặc biệt là thí sinh vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện kinh tế khó khăn hay gặp cách trở về giao thông mà không được dự thi.”

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ vào phòng thi.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã trao đổi về các công việc bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi, bảo mật đề thi; phòng ngừa, xử lý tình huống gian lận bằng thiết bị công nghệ cao; bảo đảm công tác y tế phục vụ kỳ thi.

Thông tin từ Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cho biết, đã thành lập 1.593 đội hình tiếp sức mùa thi tại cả các điểm thi trên toàn quốc với hơn 58.700 tình nguyện viên.

Các tình nguyện viên sẽ phối hợp với lực lượng chức năng trong phân luồng giao thông tại điểm thi, hỗ trợ thí sinh tìm phòng thi, làm thủ tục dự thi, cấp phát nước uống, suất ăn miễn phí, hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn đến điểm thi an toàn.

Tại 100% điểm thi đều có đội hình thanh niên tình nguyện ứng trực hỗ trợ thí sinh.

Có thể bạn quan tâm