(GLO)- Kể từ ngày 1-1-2013, Quyết định 705 ngày 8-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực, theo đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho một số đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.
Quyết định 705 không những giúp cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế, được hưởng lợi khi có nhu cầu khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe mà đây còn là bước tiến quan trọng trong quá trình giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội…
Đây là lần điều chỉnh thứ 3 kể từ năm 2009 đến nay, nâng mức hỗ trợ từ 50% lên 100%. Theo Quyết định này, kể từ ngày 1-1-2013, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 5 năm sau khi thoát nghèo.
Ảnh: Đức Thụy |
Trường hợp người thuộc hộ cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 1-1-2013 nhưng thời gian thoát nghèo tính đến ngày 1-1-2013 chưa đủ 5 năm, thời gian còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế, thời gian hỗ trợ thấp nhất là 1 năm. Nhà nước cũng hỗ trợ cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Đối với các đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 26-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Gia Lai có 4 huyện là: Kbang, Kông Chro, Ia Pa và Krông Pa nằm trong diện này.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10-9-2013, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3015/UBND-VHXH về việc tăng cường phối hợp cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số năm 2014.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát, tổng hợp danh sách người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn để lập danh sách đề nghị cấp thẻ.
Đánh giá của cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh cho thấy, kết quả khai thác phát triển đối tượng tham gia hộ cận nghèo đến nay đạt tỷ lệ còn thấp, hiện vẫn chưa có danh sách cụ thể về số đối tượng thuộc hộ cận nghèo, chỉ có tỷ lệ phần trăm hộ cận nghèo ảnh hưởng đến công tác phát triển đối tượng. Do đó, chủ trương hỗ trợ 100% mức đóng BHYT được xem là chỗ dựa cho người nghèo.
Tuy nhiên, công tác phối hợp với ngành chức năng trong việc rà soát, lập danh sách các đối tượng thuộc diện ngân sách hỗ trợ mua thẻ BHYT một phần hoặc toàn bộ vẫn chưa chặt chẽ, thiếu chính xác, còn nhiều sai sót và số lượng trùng thẻ tương đối lớn. Trong đó, trùng từ năm 2010 đến 2012 là 25.800 thẻ, số tiền trên 12,2 tỷ đồng (trong đó: trùng người nghèo là 14.015 với số tiền trên 6,4 tỷ đồng và trùng đối tượng khác 11.785 thẻ với số tiền trên 5,8 tỷ đồng).
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Sáu-Trưởng phòng Thu (Bảo hiểm Xã hội tỉnh) cho biết: Cơ quan BHXH tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát và loại bỏ những đối tượng cấp trùng thẻ BHYT trong năm 2013; cung cấp danh sách cấp thẻ BHYT người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân tộc thiểu số năm 2013 sau khi đã loại trừ số trùng thẻ BHYT cho Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội để đối chiếu với số phát sinh tăng, giảm trong năm 2014, đảm bảo từ ngày 1-1-2014 những đối tượng này được cấp thẻ BHYT mới để tham gia khám-chữa bệnh.
Thiết nghĩ, để giúp người dân nói chung, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ chính sách ưu việt của Nhà nước thì bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc cấp thẻ BHYT cho những đối tượng này thì ngành BHXH cần phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh; giảm bớt các thủ tục phiền hà, đảm bảo quyền lợi cho người có BHYT, thu hút được ngày càng nhiều người dân tham gia.
Minh Nguyễn