Chỗ dựa pháp lý cho người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ học vấn còn hạn chế nên nhiều người, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn ít am hiểu về các quy định của pháp luật. Bởi vậy, khi phạm pháp, nhiều người không có tiền thuê luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bản thân mà chỉ biết trông chờ vào sự trợ giúp pháp lý của Nhà nước.

Vào khoảng 18 giờ ngày 12-12-2015, Rơ Châm Pút (SN 1988, ở làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) không có giấy phép lái xe nhưng điều khiển xe mô tô BKS 81K1-6446 chở Rơ Châm Dao (bạn của Pút) lưu thông từ hướng Nhà máy Thủy điện Sê San 3 về hướng trụ sở UBND xã Ia Kreng (huyện Chư Pah). Khi đi đến đoạn đường dốc quanh co thuộc địa phận làng Dốch 2, xã Ia Kreng thì xe mô tô do Pút điều khiển đã tông vào hàng rào chắn ở bên đường.

 

Rơ Châm Pút (bên phải) được cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật. Ảnh: H.C
Rơ Châm Pút (bên phải) được cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật. Ảnh: H.C

Hậu quả, Rơ Châm Dao chết tại chỗ, Pút bị thương phải đi bệnh viện cấp cứu và xe mô tô hư hỏng nặng. Sau đó, Pút bị dân làng và gia đình người bị hại phạt vạ 1 con bò hai năm tuổi, buộc lát gạch hoa phần mộ 20 m2, bồi thường mai táng và sửa chữa xe mô tô, tổng cộng hơn 30 triệu đồng. Ngày 29-7-2016, Tòa án nhân dân huyện Chư Pah xét xử và tuyên phạt Pút 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng vì tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, Pút bộc bạch: “Mình vi phạm pháp luật giao thông nhưng không biết đúng sai theo các quy định của pháp luật. Nhờ có cán bộ tư pháp trợ giúp pháp lý mà mình mới hiểu biết các quy định của luật. Từ nay, mình cố gắng chăm chỉ làm ăn, chấp hành theo pháp luật của Nhà nước...”.

Cũng giống như trường hợp của Rơ Châm Pút là trường hợp của Rah Lan Ayôn (SN 1990), Niang Truen (SN 1989), Lan Hyoan (SN 1984), Rơ Mah Choan (SN 1989), Kpuih Tư (SN 1990), Kpuih Bư (SN 1990) và Kpuih Ni (SN 1997) cùng ở làng Suối Khôn, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông. Trưa 1-4-2015, các đối tượng này đã xông vào chốt bảo vệ rừng suối Ia Ji (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) bốc 48 lóng (1,631 m3) gỗ căm xe lên xe công nông chở đi bán, bất chấp sự khuyên ngăn của các lực lượng chức năng. Ngay sau đó, các đối tượng trên đã lần lượt bị bắt và bị truy tố. Cuối tháng 6-2016, Tòa án nhân dân huyện Chư Prông đã tổ chức xét xử lưu động và tuyên phạt: Rah Lan Ayôn 36 tháng tù; Niang Truen 30 tháng tù; Lan Hyoan, Rơ Mah Choan và Kpuih Tư mỗi bị cáo 24 tháng tù; Kpuih Bư 18 tháng tù; Kpuih Ni 14 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” nhưng cho hưởng án treo vì các đối tượng ở vùng biên giới, thuộc hộ nghèo, trình độ học vấn thấp, ít am hiểu các quy định của pháp luật, bị người khác xúi giục, phạm tội lần đầu và đã khắc phục xong hậu quả.

“Có được kết quả này, không phát sinh “điểm nóng” ở khu vực biên giới là nhờ một phần công sức của các trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp Pháp lý nhà nước tỉnh đã xuống tận các làng tuyên truyền, vận động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo theo các quy định của pháp luật. Từ vụ việc này, bà con vùng biên giới hiểu biết thêm những chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, không làm theo những lời kích động của kẻ xấu”-ông Lưu Đình Quánh-quyền Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) cho biết.  

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí tại trụ sở và lưu động cho 613 đối tượng với 513 vụ việc, trong đó có 308 việc tư vấn pháp luật, 205 vụ tham gia tố tụng. “Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tiếp tục tăng cường trợ giúp pháp lý miễn phí cho những người có công với cách mạng, người nghèo, người cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn..., góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật và phòng ngừa, hạn chế các tranh chấp, xóa bỏ các tập tục lạc hậu ở cơ sở”-ông Lưu Đình Quánh cho biết thêm.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm