Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Chợ huyện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phiên chợ huyện đông đúc gần trọn ngày, từ sớm tinh mơ đến quá trưa. Hàng hóa bán mua đủ cả, cho nhu cầu chăn nuôi, sản xuất đến phục vụ nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống. Người và hàng hóa tràn cả ra phần đường quanh khu chợ. Đó là đặc điểm nhận diện chợ phiên với những ai lần đầu đến chợ hay lâu ngày về quê đi chơi chợ. 
"Chợ huyện một tháng sáu phiên
Gặp cô hàng xén kết duyên Châu-Trần” (Ca dao).
Ở miền Trung, chẳng cứ gì chợ huyện 5 ngày nhóm họp một phiên, chợ xã cũng vậy. Hàng xén thì chợ nào cũng có, bán hàng xén đâu chỉ có “cô hàng”, rất nhiều “bà hàng” nữa. “Bà hàng” thuở còn là “cô hàng” đã kết duyên với chàng trai không hẳn gặp nhau ở chợ. Câu ca chỉ là câu ca, hàm nghĩa “Trai khôn tìm vợ chợ đông”, vậy thôi.
Định danh “chợ huyện” đã nói lên quy mô của chợ: mỗi huyện chỉ có một, nằm ở vị trí trung tâm đơn vị hành chính cấp huyện, to rộng nhất, bán mua nhiều mặt hàng nhất, chợ phiên có đông người nhất. Tên của chợ huyện thường gắn với địa danh nơi lập chợ.
Chợ huyện hình thành “tự giác”, được chính quyền phê duyệt dự án, chọn địa điểm, đầu tư kinh phí xây dựng, đặt tên gọi; là nơi hội tụ yếu tố giao thương thuận lợi, ít khi bị ngập úng vào mùa mưa (ở các huyện đồng bằng, duyên hải). Khu vực xung quanh chợ cứ thế mà dân cư tập trung sinh sống, mua bán hình thành nên phố chợ.
Quan sát mặt hàng, lượng người mua bán ở phiên chợ huyện có thể nhận diện tiềm lực kinh tế ngành nghề địa phương: nông-lâm-sản vật nuôi trồng, đánh bắt, khai thác; hàng tiểu thủ công nghiệp; hàng thủ công mỹ nghệ…
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Tự ngày xưa, cái thời với quan niệm chợ búa là việc dành riêng cho phụ nữ thì đi chợ huyện đã có cả nam giới, đủ mọi lứa tuổi để bán, để mua những mặt hàng chỉ cánh đàn ông làm ra, phần nhiều sử dụng lấy như hàng nông cụ cày, bừa, cuốc, xẻng, dẹp, đó, nơm, nhủi, ống trúm… Tuy vậy, đồ gia dụng sàng, thúng mủng, nong nia… tuy được đàn ông làm ra, nhưng người dùng chính yếu là phụ nữ nên phụ nữ bán mua là chính.
Phiên chợ huyện còn có người đi chơi chợ, để ngắm nhìn, thưởng thức đồ ăn thức uống chỉ bày bán ở phiên chợ huyện hay nhân buổi chợ phiên ra phố huyện chơi, ghé vào chợ. Chợ huyện còn là trung tâm văn hóa của huyện.
Cùng với phiên chợ huyện vùng đồng bằng, còn có chợ “vệ tinh”, bán độc mặt hàng “cồng kềnh” không biết đặt ở gian hàng nào cho phù hợp như: chợ trâu bò, chợ cây củi. Để bán mặt hàng tiểu thủ công nghiệp xếp hạng “cao quý” bởi dáng vẻ thanh cao, chức năng sử dụng tôn quý như chiếc nón lá đội đầu, mới sinh ra chợ nón lá, nhóm vào cuối đêm, vừa tảng sáng đã tan chợ. Chợ “vệ tinh” hình thành “tự phát” nên chợ cũng “tự biến” theo nhu cầu của cư dân địa phương và vận động xã hội.
Phiên chợ huyện đông đúc gần trọn ngày, từ sớm tinh mơ đến quá trưa. Hàng hóa bán mua đủ cả, cho nhu cầu chăn nuôi, sản xuất đến phục vụ nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống. Người và hàng hóa tràn cả ra phần đường quanh khu chợ. Đó là đặc điểm nhận diện chợ phiên với những ai lần đầu đến chợ hay lâu ngày về quê đi chơi chợ.
Chợ ở Gia Lai lại không có phiên, nhóm họp mọi ngày trong năm nên hàng hóa và mật độ người ra vào chợ ít biến động, ngoại trừ chợ Tết. 
Riêng chợ Chư Sê, từ tháng 4 đến tháng 6, khi mùa mưa bắt đầu có chợ “vệ tinh” chuyên mặt hàng dây hồ tiêu giống, nhóm họp vào buổi sớm trong ngày. Dây hồ tiêu được buộc lại thành bó, xếp dãy dài, đặt cẩn thận trên tấm ni lông ở khu đất trống thuộc khuôn viên chợ.
Nhà vườn muốn trồng dặm vào hố hồ tiêu vườn nhà bị chết, cứ thế tìm đến chọn mua (trồng mới, nhà vườn chỉ dùng đến dây hồ tiêu ươm sẵn trong bầu đất). Chợ dây hồ tiêu giống phục vụ khách hàng không chỉ trong tỉnh, vì thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” được cả nước biết đến.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm