Thời sự - Bình luận

Chờ những quyết sách lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đại dịch Covid-19 đi qua đã để lại thiệt hại lớn cho kinh tế Việt Nam, trong đó kinh tế TP HCM thiệt hại chưa từng có. TP HCM trong những ngày đầu nỗ lực phục hồi với muôn vàn khó khăn.

Trước bối cảnh chung, đại đa số mong muốn tại kỳ họp Quốc hội lần này, Quốc hội sẽ thảo luận, đưa ra những quyết sách đặc biệt giải quyết tình huống đặc biệt này để giúp phục hồi nhanh kinh tế TP HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước - để trên cơ sở đó phục hồi kinh tế đất nước.

Riêng với TP HCM, ngoài những chính sách hỗ trợ chung cần có chính sách đặc thù riêng giúp doanh nghiệp (DN) TP HCM tránh khỏi tình trạng phá sản và phục hồi nhanh nhất có thể. Với nhóm DN lớn, phải làm sao hỗ trợ đủ lực để DN bật lên. Còn nhóm DN nhỏ và vừa thì phải hỗ trợ để họ có thể tồn tại, sớm phục hồi.

Trong lúc rất nhiều DN TP đang kiệt quệ tài chính, làm thế nào để DN có thể thuận lợi trong vấn đề tiếp cận, bổ sung vốn để tái khởi động. Song song đó là các chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp để trong bối cảnh chuỗi logistics khó lường, chi phí đầu vào tăng cao, khả năng cạnh tranh của DN giảm sút thì làm sao cho chi phí vốn có hiệu quả tốt nhất.

Thứ hai, về lao động, thông qua diễn đàn Quốc hội, làm sao tạo ra tiếng nói chung về vấn đề tạo thuận lợi trong lưu thông các nguồn lao động, có sự hợp tác giữa các địa phương trong vấn đề giúp TP HCM ổn định lực lượng lao động tại các DN. Hiện lượng người lao động tại TP HCM về quê nhiều, một số địa phương đang có chính sách khuyến khích lao động quay về làm việc tại địa phương mình dẫn đến nguy cơ TP HCM thiếu hụt lao động nên cần có sự phối hợp hài hòa giữa các địa phương giúp cho sự phục hồi kinh tế TP HCM nói riêng, cũng là cả nước nói chung.

Để phục hồi kinh tế thì cần 3 yếu tố chính là thị trường, vốn và người lao động; 3 yếu tố đó phải đồng bộ. Về thị trường, chúng ta đang chứng kiến sự dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu sang nước ngoài của một số ngành nghề như dệt may, da giày, thủy hải sản...; mức dịch chuyển khoảng 20% nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để phục hồi. May mắn là ngành xuất khẩu chủ lực là điện tử không bị ảnh hưởng nhiều.

Để phục hồi thị trường nước ngoài chắc chắn phải có những chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm Việt Nam; tận dụng và đẩy mạnh thực thi 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết hoặc đang có hiệu lực. Với mức độ hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng hiện nay, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế trong thu hút các nhà đầu tư quốc tế; việc còn lại là tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, đầu tư nâng cao hiệu quả hệ thống logistics, cảng biển để tạo lợi thế cho xuất khẩu. Ở thị trường trong nước, phải tăng cầu trong nước thông qua tiêu dùng Chính phủ (đầu tư công, đầu tư của các thành phần liên quan nhà nước). Chìa khóa vẫn là đầu tư công, kế đến là những gói hỗ trợ của nhà nước về an sinh xã hội để đời sống người dân được cải thiện, từ đó tiêu dùng tăng.

Về chính sách tài khóa, trần nợ công của Việt Nam đang trong mức cho phép, còn dư địa để đẩy nợ công tăng lên, có thể dùng để tiếp tục tăng đầu tư công hoặc đầu tư hỗ trợ vốn cho DN bằng những hình thức bảo lãnh, hỗ trợ lãi suất, đẩy mạnh các gói an sinh...

Chu Tiến Dũng (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM/NLĐO)

Có thể bạn quan tâm