Chợ tạm "ám" chợ chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chợ Chi Lăng (tổ 2, phường Chi Lăng, TP. Pleiku, Gia Lai) được xây dựng trên quỹ đất và nguồn vốn của tư nhân nhằm thay thế hoạt động của khu chợ tự phát nằm trên quốc lộ 14 (tổ 1, phường Chi Lăng). Dù vậy, việc vận động tiểu thương vào chợ mới vẫn là một bài toán nan giải, đòi hỏi sự quyết liệt của chính quyền địa phương cũng như sự đồng lòng của người dân.

Chợ tiền tỷ chờ tiểu thương

Năm 2012, trước tình trạng khu chợ tự phát bên quốc lộ 14 (tổ 1, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) ngày càng đông đúc kẻ mua người bán khiến tình hình giao thông ở đoạn đường qua chợ càng thêm phức tạp, UBND phường Chi Lăng đã vận động xã hội hóa xây dựng chợ tư nhân. Nhận thấy gia đình ông Hoàng Văn Trượng (tổ 2, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có quỹ đất rộng, UBND phường đã động viên gia đình đầu tư xây dựng chợ nhằm đưa các tiểu thương ở chợ tự phát vào buôn bán quy củ. Dự tính, sau khi hoàn thành, chợ Chi Lăng sẽ là nơi giao thương, buôn bán của người dân thuộc khu vực phường Chi Lăng, xã Ia Kênh, xã Chư Hdrông (TP. Pleiku), đồng thời thu hút các tiểu thương từ phường Trà Bá, xã Chư Á (TP. Pleiku) và các vùng lân cận. Năm 2013, khu chợ được ông Trượng khởi công xây dựng trên diện tích hơn 1 ha với tổng số tiền đầu tư hơn 4 tỷ đồng cho các hạng mục san ủi mặt bằng, hầm nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy, vệ sinh, hàng rào, ki-ốt, nhà lồng. Đến tháng 10-2015, khu chợ chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động.

 

Bên trong khu chợ vắng vẻ, đìu hiu. Ảnh: P.L

Tuy nhiên, dù đi vào hoạt động tính đến nay đã gần nửa năm nhưng chợ Chi Lăng vẫn ở tình trạng “vườn không nhà trống”. Cả khu chợ rộng rãi, khang trang, sạch sẽ với 20 ki-ốt và khu nhà lồng thoáng mát đủ sức phục vụ cho hơn 100 hộ kinh doanh đang nằm im lìm, không một bóng người. Khoảng sân rộng dành làm chợ “chồm hổm” trở thành nơi phơi quần áo, cơm nguội tự khi nào. Phía bên ngoài cổng chợ, chỉ có một xe bán nước mía, vài người bán rau, thịt, cá và lác đác vài người dân qua lại. Ông Hoàng Văn Trượng buồn rầu cho biết: “Ngay khi chợ đi vào hoạt động đã có khoảng 50-60 hộ đăng ký kinh doanh, đặt cọc ki-ốt. Mặc dù vậy, chợ tự phát còn hoạt động, người dân không vào chợ mới để mua hàng nên các tiểu thương vẫn e dè chưa chịu đến để buôn bán. Hiện tại chỉ có khoảng 5 hộ kinh doanh thường xuyên ở chợ mới này thôi”.

Dù đã có chính sách ưu đãi 4 tháng miễn phí tiền thuê sạp, ki-ốt, điện, nước… nhưng chợ Chi Lăng do ông Trượng đầu tư vẫn chưa thu hút được các tiểu thương. Chị Thư (buôn bán trái cây tại chợ tự phát) cho hay: “Tôi bán ở đây cũng được hơn 7 năm rồi. Vào chợ mới không có người mua nên không ai muốn vào cả”.

Dẹp bỏ chợ tạm

Khu chợ tạm họp bên lề quốc lộ 14 từ khoảng 15 giờ trở đi luôn tấp nập, xô bồ khác xa với hình ảnh vắng vẻ, đìu hiu của ngôi chợ Chi Lăng được ông Trượng đầu tư xây dựng cách đó chưa đầy 1 km. “Các tiểu thương đã đăng ký thuê ki-ốt của tôi khẳng định, nếu chợ tự phát không bị dẹp thì họ nhất quyết không vào chợ mới buôn bán”-ông Trượng chia sẻ. Khu chợ tự phát tồn tại đã nhiều năm nay không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các hộ dân dọc đường và an toàn giao thông. Chính vì vậy, dẹp bỏ và di dời chợ tạm là một trong những việc làm cần thiết hơn bao giờ hết.

Khoảng hơn 1 tuần nay, theo ghi nhận của P.V, các lực lượng chức năng của phường Chi Lăng đang tích cực ra quân dẹp chợ tạm, trả lại sự thông thoáng cho quốc lộ 14. Những ngày này, khu chợ vốn kéo dài gần nửa cây số không còn tồn tại, các sạp hàng do tiểu thương tự dựng cũng bị dỡ bỏ. Mỗi chiều, lực lượng trật tự đều đi kiểm tra, đôn đốc, ngăn chặn các tiểu thương quay trở lại bày bán. Dù vậy, tình hình buôn bán của chợ Chi Lăng mới xây vẫn chưa được cải thiện là bao.

Trao đổi với P.V, bà Đoàn Thị Bích Ngọc-Chủ tịch UBND phường Chi Lăng cho biết: “Vừa qua, UBND TP. Pleiku và UBND phường Chi Lăng đã mời họp các hộ kinh doanh tại khu chợ tự phát nhằm vận động, tuyên truyền và động viên họ dời chợ tạm vào buôn bán ổn định trong khu chợ Chi Lăng mới và nhiều hộ cũng đã đồng tình. Các gia đình hai bên đường cũng cam kết không cho buôn bán trước cửa, gây mất mỹ quan và an toàn giao thông cho người đi đường. Hàng ngày, chúng tôi cũng cử các lực lượng trật tự đi kiểm tra, không cho mọi người buôn bán tại khu chợ tự phát. Thời gian tới chúng tôi sẽ làm quyết liệt hơn nữa để chợ tự phát không tái họp và động viên các tiểu thương vào chợ mới buôn bán”.

Mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để dẹp bỏ hoàn toàn chợ tự phát, giúp khu chợ mới xây trở thành nơi giao thương, buôn bán trung tâm của phường Chi Lăng và các vùng lân cận.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm