Chợ ven đô...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày nghỉ, tôi thường lang thang ở các chợ ven đô để được ngắm nhìn bức tranh sinh hoạt đa màu của cư dân vùng ngoại ô Pleiku. Những cái chợ tự phát kiểu như chợ trời, chợ chồm hổm ở Phố núi mọc lên khắp nơi và cũng nhộn nhịp không kém những chợ lồng, chợ trung tâm chút nào. Một số chợ ven đô thường nhóm vào buổi sáng; cũng có vài ba chợ trời tụ họp vào buổi chiều.
 

Ảnh: Bùi Quang Vinh

Sự hình thành chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa ở các cụm dân cư từ thành thị đến nông thôn ở Việt Nam là một trong những nét văn hóa có từ ngàn xưa mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước. Nó là một lẽ tự nhiên theo quy luật cung-cầu nhưng mỗi loại chợ mang rõ sắc thái vùng miền hoặc dấu ấn về bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa khác nhau. Ở những vùng miền có nền sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp thì càng dễ hình thành nhiều nơi buôn bán nhỏ lẻ tự phát kiểu như chợ trời, chợ chồm hổm.

Những chợ ven đô ở Pleiku thường hình thành theo kiểu tự nhiên, tức là không có quy hoạch xây chợ dưới sự quản lý của chính quyền địa phương mà người dân tự chọn một nơi thuận lợi, có khi là một con đường, một bãi đất trống trong đô thị để nhóm chợ, buôn bán. Các chợ ở ven đô thuộc TP. Pleiku như: chợ Bà Định (phường Yên Đổ), chợ Chư Á (Plei Choet), chợ trời ở phường Chư Hdrông… có từ nhiều năm qua. Giờ cao điểm, những ngày lễ, Tết cảnh mua bán ở đây diễn ra khá tấp nập không thua kém các chợ trung tâm. Sở dĩ những chợ ven đô có sức hút với nhiều người mua bán, không những với các cư dân trong vùng mà nhiều người ở nội đô vẫn thích tìm đến cái không gian “tự do” của các chợ trời ngoại ô. Riêng tôi, ngày thứ bảy, chủ nhật thường muốn rời xa đô thị, không thích chen lấn vào trung tâm thương mại, siêu thị hay các chợ đầu mối mà dạo quanh các vùng ven đô, hay đến các chợ trời để tìm xem những sản phẩm địa phương, tiếp cận với đời sống của cư dân ngoại ô trong thời buổi kinh tế thị trường. Điều thú vị và dễ chịu hơn là ở các chợ trời này, đa phần người ta không buôn bán chuyên nghiệp mà thường “chạy chợ” để kiếm thêm đồng thu nhập trong lúc nông nhàn. Dân ngoại ô, nhà nào trồng được mớ rau, củ khoai, nuôi được con gà, con vịt… ăn không hết, họ thường đem ra chợ ngồi bán “cây nhà lá vườn”. Khi bán xong là lo bươn bả về nhà để lo công việc.

Vợ tôi vốn kỹ tính, khi mua rau tươi bao giờ cũng có thói quen hay săm soi, nghi ngờ rau không sạch nên thường chọn những người nông dân quê mùa ngồi bán để mua, với câu hỏi đầu môi: “Rau có sạch không vậy?”. Có người nhanh miệng, họ giới thiệu sản phẩm của mình là rau nhà, không hề phun thuốc trừ sâu hay hóa chất, cứ yên tâm mà dùng. Nghe thế, cầm bó rau mua về cũng vững dạ mà ăn… không sợ ngộ độc. Ngày xưa chỉ có người Kinh chuyên bán rau quả-sản vật của mình làm ra, nay xuất hiện ngày càng nhiều người dân tộc bản địa cũng gùi rau, củ bán quanh các chợ vùng ven. Do vậy, thường ở các chợ trời, thực phẩm vừa tươi, vừa rẻ rất thích nghi với các bà nội trợ.

 

 

Dạo chợ Bà Định, chợ Chư Á, tôi thích thú được la cà với những “quầy hàng” di động của đồng bào dân tộc thiểu số. Với chiếc gùi trên vai đựng mớ rau vừa hái ở làng, tay ôm con gà lang thang bán dạo khắp chợ, khi mỏi quá, họ tìm chỗ thuận lợi ngồi chồm hổm để vài thứ “đặc sản” trước mặt chào hàng… Họ không có thói quen cất lời đon đả mời chào, năn nỉ người mua. Nếu có người hỏi giá để mua, họ chỉ nói một giá định sẵn như “cóc cắn” không thêm, không bớt… ai mua được thì mua. Vợ tôi, có lúc cũng thích mua hàng của họ vì chắc thiệt, khỏi phải trả giá loanh quanh mất thời gian. Tuy vậy, có khi bị hớ vì cũng loại hàng đó ở quầy người ta bán rẻ hơn.

Tôi nghĩ, với những cư dân bản địa ở Tây Nguyên, trong truyền thống buôn, làng họ chưa hề có khái niệm “chợ” và mua-bán. Ở cộng đồng cư dân ấy chỉ xuất hiện việc trao đổi hàng hóa. Khi có nhu cầu, họ có hình thức giao thương bằng cách đổi vật này lấy vật khác có giá trị tương đương theo thẩm định của mình, cách mà dân gian hay ví von “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Tất nhiên, ngày nay đa phần người dân tộc bản địa đã có thói quen sử dụng đồng tiền để trao đổi, mua bán nhưng không phải ai cũng rành rẽ khi xác định giá trị của vật phẩm mua bán trên thị trường. Có buôn làng xa đô thị, người dân địa phương còn chưa biết dùng tiền, hay đếm số chưa thạo hết hàng chục nên việc mua bán chỉ thông qua trao đổi giá trị vật phẩm là phổ biến.

Ngày nay với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhiều buôn làng dân tộc thiểu số sinh sống ở ven đô và đa phần gia đình họ chưa thoát ly với nghề chăn nuôi, trồng trọt. Họ đã bắt đầu có nhu cầu buôn bán ở chợ như người Kinh. Việc trao đổi, mua bán các sản phẩm làm ra với cộng đồng xung quanh là một tất yếu và điều đó tạo môi trường để hình thành các chợ tự nhiên ở ngoại ô. Đặc điểm các chợ ven đô theo kiểu tự phát là ít lều quán, bày biện sạp hàng bài bản như các chợ lồng được xây dựng theo quy hoạch mà đa phần người mua kẻ bán đứng, ngồi chồm hổm ngoài trời một cách tự do, thiếu trật tự. Hàng hóa được bày vội dưới đất hay trên tấm ni lon, bên cạnh là những chiếc gùi với các loại nông sản mới vừa thu hoạch còn tinh khôi, bắt mắt.

Dạo chợ ven đô cũng là một hình thức thư giãn; bù lại với chút công sức bỏ ra là những bó rau tươi, là con cá đồng, cá hồ vừa mới bắt lên… khiến bữa ăn gia đình thêm phần ngon miệng. Đã thành lệ, những ngày rảnh rỗi, không buổi sáng thì chiều, tôi lại vi vu với “hương đồng gió nội” vừa hít thở chút không khí trong lành của ngoại ô vừa ngồi chồm hổm với chợ trời ven đô một cách bình dân, không ồn ào, chen chúc như chợ của… người giàu nội đô.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm