Chơi cá cảnh ngàn đô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chơi cá cảnh không phải thú vui mới du nhập mà đã có từ ngàn đời nay. Từ một thú chơi dân dã chốn đồng quê, khi đời sống ngày càng nâng cao, thú chơi này cũng từng bước được nâng tầm và thậm chí, nó còn phần nào thể hiện đẳng cấp của gia chủ.

Những chú cá ngàn đô

Vua của các loài cá cảnh có lẽ thuộc về cá rồng. Ngay cái tên được chọn đặt cho loài cá cũng đủ sức toát lên đẳng cấp ấy. Là một trong những loài cá thuộc tứ linh, đẹp và gắn liền với quan niệm đem lại tài lộc cho gia chủ nên nó được săn lùng và người chơi thì chẳng ngại chi tiền để được sở hữu chú cá ưng ý, dẫu rằng giá tiền để mua chúng có khi bằng cả cơ nghiệp của một người dân bình thường.

 

“Ngân long thường được bán với giá 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/con, kim long khoảng 1 triệu đồng/con trở lên, hồng long khoảng 3-5 triệu đồng/con tùy độ lớn nhỏ. Còn huyết long-loài cá gắn liền với quan niệm tài lộc và sự phát đạt phải tính bằng tiền “đô” bởi con rẻ nhất đã được bán với giá… 1.000 USD”-chủ  một tiệm buôn bán cá cảnh có tiếng trên đường Trần Quang Khải (TP. Pleiku) cho biết.

Tuy nhiên, 1.000 USD mới chỉ là mức giá thấp nhất của một con huyết long. “Tết năm ngoái tui bán được con huyết long khá đẹp với chiều dài thân chừng 35 cm cho một đại gia với giá 10.000 USD. Đó cũng là con cá có mức giá “khủng” nhất mà tôi bán được trong suốt cuộc đời làm nghề buôn bán cá cảnh lâu nay”-vị chủ cửa hàng tiết lộ. Cũng theo lời ông thì trước đây, người dân có tiền ở Pleiku thích săn chơi loài cá la hán, tuy nhiên, hiện tại loài cá này đã “lỗi mốt” và nhường ngôi lại cho các giống cá rồng.

 

 
Chơi cá đắt tiền, tất nhiên chế độ chăm sóc đi kèm cũng ngốn tiền không kém. Dịch vụ chăm sóc cá cảnh vì thế cũng khá ăn nên làm ra, nhất là dịp gần Tết như hiện nay khi nhà nào cũng có nhu cầu sửa soạn lại nhà cửa cho tươm tất đón năm mới. “Mỗi tuần nhà tôi cũng nhận chừng vài đơn hàng dọn dẹp, chăm sóc bể cá và sẽ nhiều hơn khi Tết cận kề. Mức giá thì tùy nhưng thông thường là từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/bể”-chủ một tiệm cá cảnh cho biết.

Cùng với cá rồng, cá chép đỏ Nhật Bản cũng là một loài cá quý được nhiều người tìm mua. Một đại gia ở thị xã An Khê từng sở hữu một chú cá chép đỏ Nhật Bản trị giá 210 triệu đồng chia sẻ rằng, trung bình mỗi năm anh phải tốn khoảng 100 triệu cho các chi phí thuê chuyên gia chăm sóc, thức ăn cho cá (đều phải nhập khẩu từ Nhật Bản)… Tuy vậy, chú cá “ngàn đô” cũng chỉ gắn bó với anh hơn 2 năm thì chết do công việc quá bận rộn khiến anh không đủ thì giờ chăm sóc kỹ càng.

Giới đam mê cá cảnh gần đây còn rộ lên phong trào chơi tép đỏ (hay còn gọi là tép cherry đỏ…). Những chú tép bé xíu, màu sắc bắt mắt cũng đã có giá 30.000-200.000 đồng/con tùy độ đỏ của tép. Chơi tép đỏ không chỉ ngốn tiền ở giá trị mỗi con mà còn ở… số lượng. Một bể thủy sinh nuôi tép đỏ làm cảnh chí ít cũng phải cả trăm con thì mới đẹp được. Đi liền với nó còn là cả một “ekip” bao gồm cây thủy sinh, cát, đèn, thiết bị sưởi ấm, bể cá… Sơ sơ, để sở hữu một bể nuôi tép đỏ thủy sinh cũng ngốn 5-7 triệu đồng trở lên. Nếu muốn thật long lanh và ấn tượng, con số vài chục triệu đồng/bể là không quá.

Ngoài chơi các giống cá cảnh nước ngọt, dân chơi cá hiện còn rộ lên phong trào chơi cá nước mặn. Đưa “biển lên rừng” tất nhiên phải tốn kém hơn gấp nhiều lần nuôi cá thủy sinh nước ngọt. Công nghệ làm bể, lọc nước, chăm sóc cả bể lẫn cá đều phức tạp hơn gấp bội lần. Đổi lại, bể cá nước mặn sẽ đẹp hơn bởi cá biển đa dạng, hệ thống thủy sinh đi kèm như san hô, thủy sinh biển… có màu sắc, hình dáng phong phú và đẹp mắt. “Ở Pleiku hiện có khoảng 2 nơi nhận làm bể cá nước mặn. Vì chơi cá nước mặn tốn kém nên hầu như chỉ những người có điều kiện kinh tế mới dám chơi”-chủ một cửa hàng cá cảnh ở Pleiku chia sẻ. Theo ông, một bể cá nước mặn “bét” nhất cũng tốn cả chục triệu đồng.

 

Hải quỳ khá đẹp mắt dùng để trang trí trong bể cá nước mặn. Ảnh Lê Hòa
Hải quỳ khá đẹp mắt dùng để trang trí trong bể cá nước mặn. Ảnh Lê Hòa

Từ thú vui đến đẳng cấp

Theo quan niệm phong thủy, nhiều nhà muốn sắm một bể cá để tạo sự hài hòa và tính thẩm mỹ cho không gian, đồng thời khi tương hợp với bản mệnh còn đem lại nhiều điều tốt lành cho gia chủ… Tất nhiên, đó chỉ là quan niệm. Nếu như dân chơi cá cho vui thì chỉ vài chục ngàn đồng đã có thể thỏa lòng, bởi những chú cá cảnh bình dân, màu sắc bắt mắt và sinh động cũng chỉ có mức giá dao động 5.000-50.000 đồng/cặp, thì những đại gia lại chơi ở một đẳng cấp khác. Họ sẵn sàng bỏ hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng để phục vụ thú vui. Một người chơi cá cảnh lâu năm cho hay: “Khi bước vào cuộc chơi, họ cũng sẽ đua nhau để thể hiện đẳng cấp. Vài chục triệu đồng/bể cá cảnh dần trở thành bình thường, thậm chí có đại gia kỹ tính còn săn lùng từ cả gỗ quý, hàng độc về trang trí cho bể cá. Trong trường hợp ấy, giá của thú chơi là vô chừng”.

 

 


Kim long và hồng long là những giống cá chỉ nuôi được trong trạng thái “cô đơn”, bởi nếu nuôi 2 hay nhiều con, chúng sẵn sàng lao vào cắn đánh nhau cho đến khi chỉ còn một con ở lại. Các giống còn lại ôn hòa hơn, tuy nhiên, tất cả chúng đều là loài chưa ghi nhận trường hợp phối giống thành công và đều phải nhập giống về bán. “Giống cá rồng ở Gia Lai chủ yếu được nhập về từ Thái Lan hoặc Malaysia do các đầu mối từ TP. Hồ Chí Minh nhập về. Các giống cá này đắt đỏ nên chúng tôi chỉ dám nhập một số loại như kim long, ngân long, hồng long về bán. Các loại đắt tiền hơn như huyết long thì chỉ khi khách có nhu cầu đặt hàng chúng tôi mới dám nhận về”-chủ một cửa hàng cá cảnh cho biết. Đây cũng là lý do khiến giống cá rồng đội giá lên rất nhiều lần.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm