Thời sự - Bình luận

Chọn, giữ người tài

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từ năm 2026 đến năm 2030, tất cả các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương bảo đảm tỉ lệ tối thiểu từ 2% - 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.

Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.

Đây là nội dung được Bộ Nội vụ đề xuất trong dự thảo "Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài" kèm theo tờ trình ngày 5-12 của Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ. Việc ban hành chiến lược này là vấn đề cấp thiết, nhất là đất nước cần nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

"Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Một đất nước hưng thịnh luôn gắn với việc sử dụng nhân tài. Đảng và Nhà nước ta nhiều năm qua đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật đối với người có tài năng là cán bộ, công chức, viên chức và thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc; người có học hàm, học vị cao; tài năng trẻ vào làm việc trong cơ quan nhà nước. Ở nhiều tỉnh, TP thời gian qua cũng ban hành các chính sách thu hút nhân tài về địa phương làm việc với các chế độ đãi ngộ khá hậu hĩnh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các chính sách này chưa được thành công. Nhiều người trong số họ chưa được phát huy năng lực do không chấp nhận cung cách quản lý, môi trường làm việc không phù hợp, không kích thích lao động sáng tạo… nên lại ra đi tìm nơi làm việc khác.

Rõ ràng, đãi ngộ chỉ là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất với người tài, mà người tài cần môi trường để họ được thỏa nguyện, thỏa chí, thỏa sức sáng tạo, để cống hiến hết mình. Người tài cũng là người có cá tính mạnh, thường yêu cầu cao về sự minh bạch, nên sẽ không chấp nhận cách quản lý áp đặt, cách sống theo bè cánh, thân hữu…, cùng những yếu tố ngoài chuyên môn khác.

Với chiến lược này, vấn đề sử dụng người tài sẽ cụ thể hóa với các chính sách tiến bộ, phù hợp thực tiễn hơn trước. Đó là quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt sẽ dựa trên năng lực cá nhân thể hiện qua công việc và đóng góp thực tế. Đồng thời, thực hiện phương châm "Kết nối với nhân tài của ngày mai từ những người có triển vọng tài năng của ngày hôm nay" và phương châm "Bốn tốt" (Đãi ngộ tốt - Cơ hội thăng tiến tốt - Môi trường làm việc tốt - Để sáng tạo tốt) trong chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài.

Hơn bao giờ hết, trong sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, đất nước cần có đội ngũ cán bộ, trí thức có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Trong sự phát triển của xã hội, vai trò, vị trí của trí thức nói chung, của nhân tài nói riêng ngày càng quan trọng, đóng góp lớn vào sự đi lên của đất nước. Khi chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài được áp dụng, sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển bởi các cơ chế mới thông thoáng và hữu hiệu hơn sẽ giúp người tài có môi trường làm việc tốt, cống hiến được nhiều hơn.

Theo NGUYỄN MINH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm