Thời sự - Bình luận

Chọn nghề: Nghe con tim hay theo xu hướng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đại học, việc chọn ngành học theo sở thích hay phù hợp với trào lưu đang “hot” trên thị trường trở thành chủ đề lo lắng của nhiều bạn học sinh lẫn phụ huynh.

Hàng loạt hội nhóm như: “Cột sống gen Z”, “Review chọn nghề - chọn trường”, “Đấu trường học tập”, “Đại học đừng học đại”… thu hút đến gần 2 triệu tài khoản mạng xã hội tham gia, chia sẻ nội dung, bí kíp chuyện chọn trường, chọn nghề.

Đại học không phải là con đường duy nhất - là câu nói quá quen thuộc, thậm chí nhiều bạn trẻ sẵn sàng chọn các công việc “độc, lạ” theo xu hướng thị trường thay vì 4 năm trên ghế nhà trường.

Tốt nghiệp cấp 3 và chọn các khóa học ngắn hạn về kinh doanh online, làm nội dung số, livestream (phát trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội, Nguyễn Ngọc Khánh Ngân (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ: “Thời điểm đó, việc kinh doanh online hay làm video trên YouTube đang thời thượng, tôi cũng chọn nghề theo trào lưu nhưng quên học cách dự phòng. Những công việc này làm tự do nên mình cũng phải tự lo khi gặp rủi ro. Bên cạnh việc phải liên tục cập nhật xu hướng mới, tham gia gần như tất cả các nền tảng mạng xã hội thì tôi còn phải xây dựng hệ thống tài khoản dự phòng trong tình huống mất tài khoản chính hay gặp phải lừa đảo online”.

Khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh cũng là lựa chọn công việc của không ít bạn trẻ với nỗ lực có thể làm chủ chính mình và tạo dựng công việc theo ý thích, nhưng thử thách của thanh xuân thì không dễ.

Thuận Hồ (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng “thử” nhưng kết cục lại trở thành nhân viên kinh doanh tại một công ty xuất nhập khẩu thủy sản. Thuận Hồ chia sẻ: “Từ hồi học phổ thông, tôi đã ước mơ trở thành chủ một chuỗi cà phê. Tốt nghiệp đại học, ban đầu cũng tính đi kiếm việc nhưng thấy nhiều người mở quán thành công, ham quá, tôi cũng nhảy ra làm. Đến khi bắt tay vào cuộc mới thấy trên mạng người ta chỉ nói đến thành công nhưng chẳng mấy ai kể chuyện thua lỗ, chuyện gánh nặng tài chính khi gặp rủi ro. Mở quán cà phê mấy tháng đầu phải gồng lỗ vì khách chưa nhiều, thấy rầm rộ trà chanh giã tay, bánh đồng xu, tôi cũng theo, nhưng sắm đồ nghề xong, bán được vài tuần chưa đủ vốn thì hết trào lưu. Tôi phải mượn ba mẹ tiền để trả nợ vì kinh doanh thua lỗ, giờ đi làm công ty để tiếp tục cày trả các khoản nợ còn lại”.

Có thể thấy, công việc “hot” xuất hiện theo nhu cầu thị trường ở thời điểm nào cũng có, nhưng đường dài có trụ được hay không hay chỉ là thời vụ, ngắn hạn… Người trẻ cần cân nhắc và đưa ra lựa chọn cho chính mình để tránh nuối tiếc, bởi đằng sau những hào nhoáng của những thành công trên mạng chất chứa vô số những khó khăn, gian khổ mà một người trẻ thiếu kinh nghiệm, vốn liếng sẽ rất khó vượt qua.

Có thể bạn quan tâm