Thời sự - Bình luận

Chọn nhà thầu vì lợi ích quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Câu chuyện lựa chọn nhà thầu thi công đường cao tốc Bắc-Nam đang thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận, nhất là khi có thông tin doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia vào đại dự án có vai trò cực kỳ quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh này. Điều đó cho thấy, trước một công trình dù là có tầm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia hay địa phương, sự cẩn trọng khi quyết định là vô cùng cần thiết đối với những người có trách nhiệm.
Để dự án cao tốc Bắc-Nam hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội đòi hỏi phải khẩn trương hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và lựa chọn cho được những nhà đầu tư, nhà thầu thực sự có năng lực bằng nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau. Vì vậy, nếu xét ở ý nghĩa chia sẻ gánh nặng đầu tư cho Nhà nước trong lúc tiềm lực quốc gia có hạn thì việc có nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia dự án này là điều đáng mừng. Tuy nhiên, thông tin Tập đoàn Thái Bình Dương (China Pacific Construction Group-Trung Quốc) muốn tham gia xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam lại làm dư luận lo ngại. 
 Các dự án cao tốc Bắc Nam sẽ được đấu thầu công khai. (Ảnh: Xuân Hoa/VNE)
Các dự án cao tốc Bắc Nam sẽ được đấu thầu công khai. (Ảnh: Xuân Hoa/VNE)
Từ Tiến sĩ Lê Đăng Doanh-nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đến nhiều chuyên gia của các viện nghiên cứu, trường đại học lớn đều “hết sức lo ngại” trước đề xuất này và cho rằng: “Đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông là dự án mang tính chiến lược, ngoài kinh tế còn liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng của quốc gia. Một tập đoàn Trung Quốc tham gia xây dựng đường sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề trong việc giám sát, chất lượng, tác động đến một số mặt quan trọng của đất nước”.
Là các chuyên gia kinh tế, hẳn các vị ấy không thể không biết các thông lệ quốc tế trong việc đấu thầu các dự án lớn. Mà ở đó, các tiêu chí công bằng, bình đẳng luôn được tôn trọng nên không thể vì yêu hay ghét mà chọn nhà thầu nước này hay nước khác.
Điều họ băn khoăn chính là Luật Đấu thầu của chúng ta hiện nay vẫn còn nghiêng sự ưu tiên về giá mà chưa đặt đúng vai trò của các yếu tố về kỹ thuật, tiến độ… Lợi dụng yếu tố này, lâu nay, nhiều doanh nghiệp đã bằng mọi cách để thắng thầu bằng cách bỏ giá thấp. Tuy nhiên, sau đó, họ tìm mọi cách để nâng giá dự án bằng đủ các chiêu trò, kéo dài tiến độ, giảm chất lượng xây dựng, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và hệ lụy cho xã hội. Tiêu biểu là một số dự án như: đường sắt Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đội vốn tới trên 315 triệu USD (tương đương hơn 40% tổng mức đầu tư ban đầu), 6 lần lùi tiến độ; dự án cao tốc 34.000 tỷ đồng Đà Nẵng-Quảng Nam có một số nhà thầu Trung Quốc tham gia vừa làm xong đã hỏng…
Chưa hẳn vì yêu ghét chủ quan, tư tưởng bài Trung Quốc hay còn vì lý do sâu xa nào nữa, nhưng có một thực tế là những lo ngại này đều bắt đầu từ những dự án do nhà thầu Trung Quốc thi công “có vấn đề”. Điều đó lý giải vì sao các chuyên gia và dư luận lo ngại khi nghe tin doanh nghiệp Trung Quốc muốn dự thầu làm đường cao tốc Bắc-Nam (mà theo nhiều chuyên gia, khả năng trúng thầu của doanh nghiệp Trung Quốc là rất lớn). 
Đường cao tốc Bắc-Nam là một dự án lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với đất nước. Do đó, cần có tiêu chí để thu hút đa dạng các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu đã có kinh nghiệm làm các tuyến đường bảo đảm chất lượng, bảo đảm tiến độ. Cần tính toán về nguồn vốn vay để không phải bắt buộc chọn nhà thầu của chính nước cho vay ưu đãi thực hiện dự án.
Đã đến lúc phải nghiêm túc xem lại và hạn chế những nhà thầu có tiếng tăm không tốt, chuyên bỏ thầu giá rẻ rồi thi công ì ạch, đội vốn lên cao để hướng đến nhà thầu của các nước có công nghệ hiện đại, làm ăn bài bản, có uy tín, chất lượng như: Nhật Bản, Đức… Phải minh bạch, công khai và đấu thầu các dự án về cơ sở hạ tầng trên tổng thể lợi ích quốc gia. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự công tâm của người chủ trì đấu thầu. Không có đội ngũ cán bộ, công chức đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, thiếu sự công tâm, minh bạch, thậm chí việc đấu thầu vẫn còn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thì việc chọn sai nhà thầu sẽ vẫn còn tiếp diễn. 
Đường cao tốc Bắc-Nam khi hoàn thành sẽ kết nối với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) ở phía Tây, xuyên qua các tỉnh Tây Nguyên thông qua các đường xương cá như quốc lộ 19, 24, 26, 28… giúp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của quốc gia, tăng cường giao thương giữa các vùng miền, kết nối rừng với biển, giữa vùng đất Tây Nguyên trù phú, giàu tiềm năng kinh tế, giàu bản sắc văn hóa với các tỉnh đồng bằng, với hệ thống cảng biển từ Bắc vào Nam, kích thích sự phát triển mạnh mẽ về thương mại, xuất khẩu, thu hút khách du lịch khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa...
Không chỉ dự án mang ý nghĩa đặc biệt về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh như đường cao tốc Bắc-Nam mà tất cả những dự án quan trọng tác động đến sự phát triển của mỗi địa phương, sự cẩn trọng khi lựa chọn nhà thầu thi công là hết sức cần thiết.
NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm