(GLO)- Trước đây tôi vẫn nghĩ, người già không nơi nương tựa sống ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh chắc thường than thở buồn chán, cô quạnh. Nhưng những lần đến thăm, tiếp xúc với các cụ mới nhận ra, tuổi già của họ đâu có gì bi quan mà xem ra còn nhiều niềm vui, hạnh phúc.
Nói các cụ có nhiều niềm vui, hạnh phúc là bởi họ nương tựa vào nhau, nương tựa vào đội ngũ cán bộ, viên chức đã chăm sóc các cụ đâu chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả trái tim nhân hậu, nương tựa vào những tấm lòng thiện nguyện khắp cả nước… Một chiều nắng lên sau đợt mưa dầm kéo dài, khi đến thăm Trung tâm, tôi thật sự ngạc nhiên vì ở đây chỉ có 11 chị em ở Phòng Điều dưỡng-Phục hồi chức năng (còn có thêm 2 viên chức y tế nam phụ trách chung cả Trung tâm) chia làm 2 ca lại có thể gánh vác được khối công việc như đi chợ, cơm nước cho 46 cụ, trong đó có 10 người mắc bệnh tâm thần, bại liệt và nằm liệt không hoàn toàn chủ động được việc vệ sinh cá nhân; thăm khám bệnh, điều trị bằng phương pháp y học hiện đại và cả cổ truyền-bấm huyệt trị liệu cho các cụ. Ngoài ra còn chăm sóc vườn rau, đàn heo rừng lai hơn 10 con, mấy con bò lớn bé… Hoàn thành ngần ấy công việc chu đáo với trách nhiệm và tình thương mới cảm phục các chị biết bao.
Tình cảm tuổi già. Ảnh Đ.P |
Đi ngang qua căn nhà số 3, bắt gặp hình ảnh 2 cụ già, người thì dùng khăn lau đầu tóc bạc phơ cắt ngắn, người quấn tấm chăn ủ ấm cho một cụ bà già nua gương mặt phúc hậu hằn sâu những nếp nhăn đã níu chân tôi. Cụ Lương Thị Hồng (SN 1947, quê ở Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) bắt chuyện: “Tôi vừa đưa bà ngoại (cách xưng hô thông thường theo con) đi tắm. Tuổi già khó tính, cứ nằng nặc đòi tắm nước lạnh cho mát để rồi lạnh run. Khổ thân! Chỉ có làm cách này cho bà nhanh ấm lại thôi.
Bà năm nay tròn 90 tuổi đấy”. Với tay treo chiếc khăn, giọng Huế nhẹ nhàng, cụ Nguyễn Thị Hòa cất tiếng chào và cho biết: “Tôi sinh năm 1950, sống độc thân cả đời, có hơn 20 năm mua gánh bán bưng kiếm sống ở Pleiku. Năm 2012, tôi bị ngã, chấn thương cột sống, lại có bệnh khớp gối nên đi lại khó khăn, được đưa vào đây. Chúng tôi được chăm sóc, nuôi dưỡng, gần gũi nhau y như người thân trong gia đình. Cũng có lúc giận hờn rồi làm lành, “bụng người già, dạ con nít” mà. Trung tâm này thật là một tổ ấm của chúng tôi”.
Ghé lại căn nhà số 5, cụ bà Võ Thị Bê (SN 1937, quê ở tỉnh Thừa Thiên-Huế) vừa mặc bỉm cho một cháu trai bụ bẫm, trắng trẻo, gương mặt đẹp sáng ngời như thiên thần, vừa trách yêu cháu: “Lộc hư lắm, nằm yên cho bà mặc bỉm, thay quần áo đẹp để còn được bác (là chỉ tôi-N.V) chở đi chơi nữa chứ”. Rồi cụ quay sang tôi kể về cháu bé: “Tên cháu là Đoàn Phú Lộc, là lấy theo họ của cô Đoàn Thị Hường-nguyên Giám đốc Trung tâm. Gần được 2 tuổi rồi đấy, được đưa về đây từ lúc còn đỏ hỏn, quấn bà nội lắm. Không chừng rồi lại bị trách “cháu hư tại bà”. Khổ, mà bà chỉ có tình yêu thương dành cho cháu thôi chứ có gì đâu”. Lòng tôi như quặn lại! Tình yêu thương giữa những mảnh đời bất hạnh dành cho nhau, sưởi ấm nỗi cô đơn thế đã quý lắm rồi…
Bà Nông Thị Châm-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh: “Trung tâm chính thức đi vào hoạt động tháng 6-1997. Đến nay, đã có 1.293 lượt người già không nơi nương tựa vào đây. Và cũng từ nơi này, 69 cụ đã ra đi, mồ mả tươm tất, chung nơi thờ phụng khói hương”. |
Bà Nông Thị Châm-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh, cho biết, Trung tâm hiện đang chăm sóc một cụ ông đau nằm liệt, là thương binh loại 1. Ngoài chế độ chính sách của Nhà nước, đến dịp tháng 7 hàng năm, cơ quan huy động mọi người trích ngày lương lo phần quà cho cụ, gọi là tấm lòng của lớp hậu bối đối với người có công với cách mạng, với Tổ quốc. Chỉ vào khoảng sân trước dãy nhà các cụ, chị bày tỏ: Trung tâm rất cần những chiếc ghế đá đặt ở đây cho các cụ ngồi tắm nắng, nghỉ chân chuyện trò sau lúc dạo chơi mà chưa biết nhờ ai. Thôi thì qua bài viết này, tôi góp tiếng nói sở nguyện các cụ, để các cụ có thêm niềm vui trong những ngày cuối đời…
Đình Phê