Phóng sự - Ký sự

Tết giữa đại dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong khi người người, nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với gia đình, thì ở cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng), các ngư dân miền Trung cũng đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày và đón một cái Tết nữa giữa đại dương.

Ngư dân treo cờ mới chuẩn bị đón Tết trên biển. Ảnh: Lệ Thủy
Ngư dân treo cờ mới chuẩn bị đón Tết trên biển. Ảnh: Lệ Thủy

Một đời sóng gió

Cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán, nhiều tàu, thuyền lại nhổ neo ra khơi với những chuyến đi dài ngày, ăn Tết xa nhà. Đây là câu chuyện thường niên của những ngư dân theo nghề biển, bám biển mưu sinh. Ông Trần Văn Thương (48 tuổi, trú tại phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) - một ngư dân với hơn 30 năm làm nghề cũng không ngoại lệ.

Ông Thương đến với nghề biển bắt đầu từ mùa hè năm lớp 9, khi lần đầu tiên được cha đưa lên thuyền. Lạ lùng thay, ông không hề say sóng như những đứa trẻ khác. Cảm giác ấy như một dấu hiệu, rằng nghề biển đã chọn ông. Chỉ vài năm sau, ông chính thức theo cha ra khơi, bắt đầu những ngày tháng gắn bó với biển cả.

Gia đình ông có 9 anh chị em, trong đó 8 người đều nối nghiệp làm biển, chỉ có người em út chọn một hướng đi khác. Nhưng nghề biển không phải lúc nào cũng êm đềm. Anh trai thứ năm của ông Thương đã mất trong một chuyến biển cách đây 7 năm, một ký ức đau thương mà ông không bao giờ quên. “Mỗi lần nhớ lại, tim đau như thắt, nhưng đời làm biển là vậy, hiểm nguy luôn chực chờ”, ông chia sẻ.

Ông Thương từng đối diện với nhiều lần chết hụt, những cơn bão bất ngờ, những con sóng dữ tưởng như nuốt chửng cả thuyền. Có lần ông bị cuốn khỏi thuyền nhưng may mắn được vớt kịp. “Chứng kiến cảnh anh em mất mạng, tôi sợ lắm, cũng từng nghĩ đến việc bỏ nghề, nhưng rồi nghĩ đến vợ con, tôi lại không đành lòng”. Gia đình ông có vợ và hai con nhỏ - một bé đang học lớp 3, một bé mẫu giáo. Chính những đứa con là động lực để ông vượt qua mọi khó khăn, bám biển dù biết rằng mỗi chuyến đi là một lần đối mặt với hiểm nguy, và nghề đánh bắt truyền thống này ngày càng đối mặt nhiều thách thức, từ chi phí tăng cao đến nguồn hải sản khan hiếm...

Làm nghề ở Hoài Nhơn, những chuyến đánh bắt xa bờ kéo dài từ 1 đến 2 tháng là chuyện thường. Chuyến đi sắp tới, ông Thương dự kiến lênh đênh khoảng 20 ngày, qua Tết mới về bờ. Điểm đến thường là vùng biển Đà Nẵng, cập cảng Thọ Quang hoặc Quảng Ngãi để bán cá cho thương lái.

Trước mỗi chuyến đi, ông cùng đồng đội chuẩn bị chu đáo từ thực phẩm, nước uống, đến đá trữ đông cá. Chi phí cho một chuyến đi dao động từ 100-200 triệu đồng, nhưng không phải lúc nào cũng có lãi. “Nhiều khi biển động, về tay trắng, tiền mất mà lòng người cũng cạn kiệt”, ông nói. Dù vậy, có những ngày may mắn, cả thuyền đầy ắp cá nục, cá bạc má, hoặc cá chim. Những con cá tươi rói được giữ trong hầm đá lạnh, chờ ngày cập bờ. Trung bình, mỗi thuyền viên kiếm được khoảng 6 -7 triệu đồng sau mỗi chuyến, phần còn lại được dùng để duy trì và sửa chữa thuyền.

Chuyến đi biển xuyên Tết lần này dự kiến kéo dài khoảng hơn nửa tháng, hoặc lâu hơn, cứ lúc nào cá đầy khoang thì về, chưa thì tiếp tục bám biển. Mùa này được coi là mùa hải sản sinh sôi, hoạt động mạnh nên thường thu được những mẻ lưới đầy, lại còn bán được giá, được xem là một trong những mùa bội thu nhất trong năm, vì vậy mà nhiều tàu thuyền nhổ neo bám biển với mong muốn năm mới cá mực đầy khoang, cả năm sung túc, ấm no.

Các thuyền viên tất bật chuẩn bị nhu yếu phẩm trước khi ra khơi. Ảnh: Ngọc Thắm
Các thuyền viên tất bật chuẩn bị nhu yếu phẩm trước khi ra khơi. Ảnh: Ngọc Thắm

Tết ấm giữa đại dương

“Anh em đã xác định là ăn Tết xa nhà”, ông Thương tâm sự. Bởi vậy, khác với những chuyến đi biển dài ngày khác, trong chuyến đi đặc biệt này, ngoài rau, thịt, các ngư dân còn chuẩn bị thêm nhang đèn, hoa cúc, trái cây… để cúng giao thừa, đón năm mới trên biển. Những ngư dân can trường miền Trung đã lấy tàu là nhà, biển là quê hương của mình kể cả những dịp đặc biệt như thế này.

“Trong những khoảnh khắc giao thừa, anh em thuyền viên tạm gác lại công việc câu mực, câu cá trên biển để sum vầy. Dù mỗi người một miền quê khác nhau, nhưng đều cùng ăn chung một mâm, uống chung lu nước, đón chung một giao thừa bình an trên miền biển”, anh Vinh (30 tuổi, trú tại thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) kể. Anh Vinh là người nay đây mai đó, cứ hễ ở đâu có chuyến tàu ra biển thì anh sẽ đi theo. Hơn 10 năm theo nghiệp biển, anh Vinh không nhớ rõ đã bao nhiêu năm đón Tết trên biển, nhưng anh rõ mồn một trong những khoảnh khắc giao thừa thì bản thân nhớ nhà thế nào, gọi về gia đình chúc Tết ra sao.

Gần một đời bám biển, ngư dân Trần Văn Thương lại chuẩn bị đón một cái Tết không biết lần thứ bao nhiêu giữa đại dương. Ảnh: Ngọc Thắm
Gần một đời bám biển, ngư dân Trần Văn Thương lại chuẩn bị đón một cái Tết không biết lần thứ bao nhiêu giữa đại dương. Ảnh: Ngọc Thắm

Ngày Tết trên biển đối với người thợ biển như ông Thương là khoảng thời gian lặng lẽ, nhưng cũng đầy xúc cảm. Đêm giao thừa, cả thuyền dừng lại, bày một mâm cúng đơn sơ với hoa, trái cây, gà luộc để tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong bình an. Dù không được ngắm pháo hoa rực rỡ, nhưng họ cảm nhận rõ không khí Tết qua từng cơn gió lạnh len lỏi giữa biển khơi.

Vào những ngày Tết, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên mỗi nóc tàu thuyền giữa đại dương như những cột mốc chủ quyền tươi thắm. Mỗi chuyến biển xuyên Tết, ngư dân luôn chuẩn bị những lá cờ mới, thể hiện bổn phận và trách nhiệm của những người con Việt Nam trước chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Đón giao thừa trên biển cùng nhau không biết bao nhiêu lần, nhưng ai ai cũng nhớ như in “thủ tục” trong khoảnh khắc đặc biệt này: Cúng giao thừa và cùng nhau nâng những lon bia, ly rượu chúc nhau năm mới bình an, sung túc”, ông Thương tâm sự. Rồi ông bộc bạch thêm, rằng trước kia khi còn cho phép đốt pháo giấy, ngư dân cũng mang pháo theo để đốt để tạo không khí Tết. Bây giờ, chỉ muốn gọi về nghe giọng vợ con, nhưng điện thoại chẳng có sóng. Mấy anh em lại ngồi quây quần, kể chuyện đời, chuyện nghề, cũng thấy ấm lòng phần nào.

Giữa những ngày lênh đênh, khoảng thời gian hiếm hoi được nghỉ ngơi này các thuyền viên tận dụng để giải trí. Người có cần câu thì câu mực đêm, dùng bóng đèn làm điểm nhử. Người thì nghe những bản nhạc đã tải sẵn trên điện thoại, hoặc đổi điện thoại cho nhau để xem phim.

Qua khoảnh khắc giao thừa, đâu lại vào đó, mọi người ai về chỗ nấy, nghỉ ngơi để sẵn sàng cho mẻ lưới đầu tiên của năm trong buổi sớm mai. Với mong ước cá mực sớm đầy khoang, bội thu về đón Tết trễ với gia đình và người thân.

Theo NGỌC THẮM - LỆ THỦY (TPO)

Có thể bạn quan tâm