(GLO)- Thời gian lặng lẽ trôi. Rồi ai cũng già đi cùng với bao suy nghĩ, hoài niệm. Có chút mông lung, mơ hồ, xa xôi, có chút bâng khuâng, lo lắng, sợ hãi cho những điều vô định.
Trên một góc phố thưa người, dưới ánh đèn đường vàng vọt yếu ớt, mỗi ngày đưa con đi học, tôi đều nhìn thấy hai vợ chồng già lặng lẽ trụng phở, lấy rau cho khách rồi bưng dọn chén bát. Hai cái bóng già chậm chạp bên nhau gần như rất ít nói cười. Cuộc mưu sinh mệt nhọc dường như đã lấy hết sức lực của họ, rất may là họ còn có nhau. Đâu đó trên từng đường phố, ngõ quê, ta không khó để gặp những người già còn phải lầm lũi kiếm sống bằng những việc khác nhau như bán vé số, bán bánh kẹo rong, nhặt ve chai. Những hình ảnh ấy thường để lại trong lòng người những xót xa.
Khi tuổi già đến, người ta hay nói rằng giờ là lúc an hưởng. Nhưng thực tế không phải người già nào cũng có được những ngày nghỉ ngơi, được hạnh phúc và bình an bên con cháu. Tuổi già cùng với bao điều đi cùng với nó đã khiến người ta phải sống những ngày không như mong muốn.
Ảnh minh họa. |
Tuổi già, ấy là khi ta không còn đẹp nữa. Làn da trở nên nhăn nheo, mái tóc không còn đen dày bóng mượt nữa. Lưng còng, tóc bạc, vẻ thanh xuân năm xưa giờ chỉ còn trong hoài niệm hay trong những tấm hình ngày cũ. Tuổi già, ấy là khi ta không còn khỏe. Cái nhanh nhẹn, tinh anh thuở nào đã bị thời gian và những nhọc nhằn cuộc sống bào mòn. Những bước đi trở nên nặng nhọc, bệnh xương khớp bắt đầu hành hạ. Nếu làm một cuộc khám tổng quát, ta sẽ thấy nhiều chỉ số không còn bình thường nữa. Đáng buồn nhất là đôi mắt không còn theo ý mình. Đọc sách hay xem điện thoại đều phải mang kính, thật bất tiện. Đôi tai cũng dần nghễnh ngãng, âm thanh nghe đã câu được câu chăng. Ta thấy mình như không còn tự tin nữa khi làm cái gì cũng sợ không phù hợp, sợ bị chê lạc hậu, lỗi thời.
Tuổi già, với nhiều người ấy là khi ta không còn gánh nặng gia đình và xã hội nữa. Các con đã trưởng thành, đã có cuộc sống riêng, đã ra khỏi vòng tay bao bọc của cha mẹ. Công việc theo đuổi cả đời giờ cũng đã đến lúc dừng lại nhường chỗ cho lớp trẻ. Khi trách nhiệm có vẻ đã hoàn thành thì lại là lúc ta cảm thấy như hụt hẫng. Có vẻ như ta không còn ích cho ai nữa rồi. Thấy mình như đã thuộc về một thế giới khác.
Nhưng cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Người già bắt đầu sắp xếp cuộc sống cho riêng mình để có thể tự chủ nhiều nhất. Có những lúc cảm thấy bất lực vì sức khỏe nhưng vì không muốn phiền con cháu nên họ thường cố gắng làm những gì mình tự làm được. Nhiều người già hiện nay thường không có lương hưu và chỉ trông cậy vào con cái. Khi con cái cũng khổ và không thể chăm lo cho cha mẹ, tuổi già càng bội phần vất vả. Hình ảnh các cụ già cô đơn không nơi nương tựa, các cụ già trải qua những năm tháng tuổi già quạnh hiu, không được con cháu yêu thương, thấu hiểu làm ta không khỏi chạnh lòng.
Người ta bảo, tuổi già nên dựa vào mình là chính bởi con cái rồi sẽ có cuộc đời của chúng. Người bạn đời rồi cũng già yếu như ta và thật đau buồn là họ có thể bỏ ta mà đi trước. Điều tưởng chừng đơn giản khi ta còn trẻ lại chẳng dễ dàng gì khi ta đã bước vào tuổi già với những điều lực bất tòng tâm. Tuổi già như ngọn đèn treo trước gió, sáng đó nhưng rồi cũng có thể phụt tắt ngay. Liệu ta có đủ sức để chăm lo cho chính mình? Chuẩn bị cho mình những gì khi thời gian vẫn đang vun vút trôi đi và tuổi già không mong đợi lại sắp đến?
Quy luật sinh-lão-bệnh-tử không chừa một ai. Từ ngày xưa, những vị vua chúa đã không ngừng đi tìm cho mình một phương thuốc trường xuân bất lão, trường sinh bất tử. Nhưng rồi, dù giàu có và đầy quyền lực, họ cũng không tránh được cái quy luật của muôn đời. Cây tre không già đi thì sao có chỗ cho những mầm măng mọc lên. Phải chấp nhận rằng, cơ thể chúng ta đang già đi mỗi ngày và rồi chúng ta cũng sẽ cùng về nơi ấy. Dù có thành công hay chưa thì cũng hãy cứ đi đi chớ ngại ngần gì, đường dưới chân là để bước, cuộc đời là để đi qua, tuổi già nhất định rồi sẽ tới. Mong lắm một tuổi già không chông chênh!
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI