Phóng sự - Ký sự

Chống Covid-19: Người lính Cụ Hồ, chúng tôi nợ họ một lời cảm ơn (Kỳ 3)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội), một nam nhân viên y tế phục vụ trong khu cách ly đã gọi điện cho vợ mang quần áo đến lấy. Tuy nhiên anh không được ra ngoài, lực lượng chức năng thực hiện rất nghiêm túc quy định về cách ly.
Các “anh nuôi” chào tạm biệt các công dân sau khi hết thời gian cách ly 14 ngày tại Trường Quân sự, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: T.A)
Các “anh nuôi” chào tạm biệt các công dân sau khi hết thời gian cách ly 14 ngày tại Trường Quân sự, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: T.A)
Không thể dự sinh nhật 1 tuổi của con trai
Sau khi giải thích với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở khu vực “chốt” barie, anh lấy được đồ từ vợ. Người vợ chia sẻ hôm nay con anh chị tròn 1 tuổi, tuy nhiên bố không được về dự sinh nhật con vì phải ở trong khu cách ly chống dịch Covid-19.
“Chồng tôi đã mấy tuần nay rồi chưa về” - chị nghẹn ngào nói, song vẫn động viên chồng yên tâm, tiếp tục cách ly. Nhưng rồi, chị bỗng trở nên xúc động khi được phóng viên hỏi về sinh nhật con trai. Nước mắt trực trào, chị nói: “Bố làm y tế trong này, con hôm nay được tròn một tuổi, bố đi mấy tuần rồi. Sinh nhật con cũng không có thời gian mà nhớ”. Nói đoạn, chị khóc rưng rức rồi chạy xe ra về.
Người phụ nữ gửi đồ cho chồng có con sinh nhật tròn 1 tuổi nhưng không thể về dự vì đang trong thời gian cách ly. (Ảnh: Nhóm PV.)
Người phụ nữ gửi đồ cho chồng có con sinh nhật tròn 1 tuổi nhưng không thể về dự vì đang trong thời gian cách ly. (Ảnh: Nhóm PV.)
Quá trưa, Jeremy Ramsden (quốc tịch New Zealand) xuất hiện ở khu vực tiếp đón công dân khu vực phía ngoài hàng rào barie để gửi đồ vào cho bà Amarda - vợ ông đang thực hiện cách ly tập trung tại tầng 18 của tòa nhà.
Jeremy Ramsden mang rượu vang đến “tiếp tế” cho vợ song ông được các nhân viên tiếp nhận giải thích không được mang rượu vào, ông vui vẻ đồng ý. Cầm bút, viết vài dòng gửi đến vợ, đứng bên ngoài khu vực cách ly hồi lâu, mắt luôn hướng lên tầng 18 của tòa nhà, ông gọi video call để được nhìn và nói chuyện với vợ. Cả hai nói chuyện một hồi lâu, rất vui vẻ.
Chia sẻ với phóng viên, ông Jeremy Ramsden cho biết, vợ ông từ “quê nhà” sang Việt Nam thăm chồng từ ngày 19/3, sau đó được đưa đến đây (chung cư sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp - PV) để cách ly tập trung với rất nhiều người khác.
“Ở trong khu cách ly, cô ấy rất lạc quan và thoải mái, Việt Nam thực hiện việc chống dịch Covid-19 rất tốt, chúng tôi thấy rất an tâm khi nhận được “ưu ái” từ các bạn. Nơi ở sạch sẽ, đồ ăn đảm bảo dinh dưỡng... Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ nhanh chóng chiến thắng Covid-19” - người đàn ông làm việc hơn 1 năm ở Việt Nam cho hay.
Bên ngoài khu vực barie tiếp nhận công dân của khu sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp chốc chốc lại có người đến mong muốn được gửi quà vào bên trong, nào là bánh kẹo, hoa quả, thậm chí người còn gửi cả… tiền, nhưng lực lượng làm nhiệm vụ đều từ chối.
Ông Jeremy Ramsden gửi quà vào cho vợ đang thực hiện cách ly tại Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội). (Ảnh: T.A)
Ông Jeremy Ramsden gửi quà vào cho vợ đang thực hiện cách ly tại Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội). (Ảnh: T.A)
Hơn 12 giờ, ông Hùng, bà Hiền đi ôtô từ Hải Phòng có mặt ở bên ngoài khu cách ly, cả hai xách một túi đựng thuốc tây và ít cam đến để gửi vào cho con gái đang cách ly tại đây, tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ nhận thuốc. Từ hôm con ông bà từ Anh về nước, được cách ly tại đây gia đình thường xuyên gọi điện trao đổi.
“Cháu bảo, bố mẹ đừng lo, chúng con ở đây sống như bộ đội, cũng giống việc sinh hoạt ở bên trường…”- ông Hùng nói và dặn con: “Chính sách của Nhà nước ta không thiếu bất cứ thứ gì, cứ yên tâm ở trong đấy. Đang lúc dịch bệnh như này chúng ta phải chung tay, góp sức”.
Ông cũng trải lòng: “Tôi luôn tâm niệm cháu về đây là gánh nặng cho Tổ quốc. Ở bên Anh, phải mất tiền để làm các dịch vụ y tế như xét nghiệm nhưng cũng không được làm, về quê hương cháu được ăn ở miễn phí, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, luôn nhận được quan tâm sát sao từ các đơn vị chức năng, cơ quan đoàn thể… Nhìn các chú bộ đội, công an, y tế ở đây vất vả vì con cái chúng tôi. Thương lắm! Biết ơn lắm!”.
Phát khóc với những lời “thật như đếm”
Ngày 29/3, gần 800 công dân đợt 2 hết thời gian cách ly để trở về với cuộc sống thường nhật, Thiếu úy Nguyễn Đại Phú và đồng đội rất vui. Đọc những dòng lưu bút các công dân để lại các anh cũng rưng rưng xúc động.
“Nhiều người sống tình cảm lắm anh ạ. Họ cứ nghĩ mình là gánh nặng cho Tổ quốc, cho bộ đội… nhưng chúng em không nghĩ vậy. Trong cuộc sống chúng ta không lường trước được điều gì, người Việt Nam ta có truyền thống luôn yêu thương, đùm bọc nhau, nhất là khi khó khăn nguy nan” - thiếu úy Nguyễn Đại Phú nói.
Các nữ du học sinh lưu luyến từ biệt các cán bộ chiến sỹ của Trường Quân sự thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô sau khi hết thời gian cách ly 14 ngày. (Ảnh: Nhóm PV).
Các nữ du học sinh lưu luyến từ biệt các cán bộ chiến sỹ của Trường Quân sự thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô sau khi hết thời gian cách ly 14 ngày. (Ảnh: Nhóm PV).
Câu chuyện ngắt quãng khi Phú nghe được thông tin, sau đợt cách ly này, nhà trường tiếp tục nhận thêm những công dân ở nơi khác đến thực hiện cách ly - nghĩa là thời gian ở lại của cậu cũng như đồng đội lại dài ra.
Trong dòng tâm sự, chiến sĩ thông tin người Đan Phượng chia sẻ, nhiều lần gia đình cậu hay gọi điện động viên: “Là người lính của Cụ Hồ, Đảng và Nhà nước giao phó nhiệm vụ con phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Không chỉ gia đình, bạn gái của thiếu úy trẻ cũng thường xuyên dùng “face time” để trò chuyện.
“Bạn gái em hay hỏi bao giờ anh về. Em cũng chỉ biết trả lời, khi nào hết dịch anh và đồng đội về, em ở nhà yên tâm. Bạn gái em bảo, em sẽ đợi anh”.
Trưa cùng ngày, sau những lời chào tiễn biệt những công dân hết thời gian cách ly, Phú, Trung, Hào và các đồng đội khác gặp nhau. Thở phào nhẹ nhõm nhưng ai cũng trĩu lòng bởi “giặc Covid-19” vẫn đang hoành hành ngoài kia. Gạt đi những nỗi âu lo ấy, Phú với giọng đặc sệt chất “Hà Tây” đọc những dòng lưu bút của các công dân để lại.
“Tất cả mọi lời văn hoa mỹ ngay thời khắc này đều gói gọn trong hai từ “cảm ơn”. Cảm ơn tất cả những sự nhiệt thành, cố gắng, vất vả của các chiến sĩ trong đơn vị đã luôn lo lắng, chăm sóc, giúp đỡ chúng tôi trong thời gian cách ly dịch bệnh… Chân thành cảm ơn những hy sinh thầm lặng nhưng to lớn của các chú bộ đội”.
"Đứng từ trên ban công, tôi có thể nhìn được đội ngũ hậu cần đã vất vả như thế nào, đặc biệt trong những ngày mưa gió khi phải phục vụ 3 bữa/ngày cho gần 800 người đang cách ly. Ở đây bộ đội nhường nhà, nhường chiếu để cho dân được chăn ấm nệm êm" - Liên chia sẻ và "cảm ơn" chính là lời nói mà Liên muốn gửi tới các cán bộ, chiến sỹ của Trường Quân sự.

“Nơi đâu trên trái đất này bộ đội nhường nhà, nhường chiếu vào rừng nằm lá để cho dân được chăn ấm, nệm êm? Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng ta, Nhà nước ta, kính trọng, yêu quý vô cùng bộ đội Cụ Hồ, quân đội nhân dân Việt Nam. Với cán bộ, chiến sĩ Trường Quân sự Sơn Tây, chúng tôi nợ các chú, các anh 1 lời cảm ơn sâu sắc”…

“Tôi vô cùng biết ơn với nhà trường và các chú bộ đội đã tận tình chăm sóc, quan tâm những công dân chúng tôi… luôn hỏi han, động viên, phát từ những cái khẩu trang đến đồ dùng cá nhân, ngày cơm ba bữa, thăm khám hai lần. Cả những chú bộ đội dí dỏm, leo 5 tầng mà chẳng mệt”…
Đây là một số trong hàng trăm lưu bút “thật như đếm” của những công dân được đưa về cách ly tại Trường Quân sự Sơn Tây gửi tới tập thể các cán bộ, chiến sỹ của nhà trường sau thời gian sinh hoạt trong khu cách ly mà Phú vừa đọc được.
Phú bảo, có những người chia sẻ, ban đầu khi họ mới bước chân vào môi trường cách ly tại trường quân sự, có chút run. Tuy nhiên, đến ngày được rời khu cách ly với những kết quả an toàn, họ ủy mị như những người thân sắp phải xa nhau.
Đã từng rất lo lắng khi biết tin sẽ bị cách ly trong 14 ngày khi về nước, thế nhưng đến nay, du học sinh Đào Thị Liên, cảm thấy rất nhẹ nhõm khi nhớ lại khoảng thời gian khó quên cô vừa phải trải qua. 
"Tối 26/2, đón tôi ở sân bay Nội Bài hôm ấy không phải là bố mẹ, người thân mà là những chiến sỹ bộ đội trong trang phục bảo hộ. Tuy không nhìn rõ được khuôn mặt, ánh mắt nhưng qua lời nói cử chỉ của các chú, các anh tôi có cảm giác được che chở, bảo vệ. Suốt quãng đường từ sân bay về Trường Quân sự, cả đoàn luôn nhận được sự động viên, trấn an của các chú các anh. Không hề có dấu hiệu của sự kỳ thị, xa lánh nào", Liên nhớ lại.
Hết cách ly Liên mới được biết trường có hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đã tình nguyện rời chỗ ở, nằm chung để nhường chỗ cho người cách ly. Nhiều cán bộ, nhân viên ở tổ phục vụ đã phải đổi chế độ sinh hoạt trong ngày, thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị bữa ăn, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt cho người được cách ly...
(Còn nữa)
LTS: Trong cuộc chiến với "giặc Covid-19", sự đóng góp to lớn của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam là không thể phủ nhận: Từ nơi cửa khẩu, đường biên giữa rừng núi trùng điệp cho tới giữa thành thị phồn hoa, đều có thể thấy sự góp mặt của những người chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam. Không quản ngại khó khăn gian khổ luôn ở trên tuyến đầu chống dịch, giúp đỡ người dân, đặc biệt phát huy hiệu quả trong việc thực hiện hỗ trợ cách ly với hàng vạn người...
Loạt bài “Ấm tình quân - dân giữa tâm dịch Covid-19” của NTNN/Dân Việt sẽ làm sáng rõ thêm hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ, những người luôn sát cánh cùng nhân dân cả nước vượt qua những thời điểm nguy nan, gian khó nhất...
Theo An Hòa Kháng (Dân Việt)
http://danviet.vn/phong-su-dieu-tra/chong-covid-19-nguoi-linh-cu-ho-chung-toi-no-ho-mot-loi-cam-on-ky-3-1074344.html

Có thể bạn quan tâm