Thời sự - Bình luận

Chống dịch COVID-19, vẫn mạnh mẽ "đốt lò" chống tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cả nước đang dồn sức quyết liệt phòng chống đại dịch COVID-19 thế nhưng công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng không vì thế mà bị xem nhẹ. Thậm chí, công tác này đã được đẩy lên ở mức quyết liệt hơn khi Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành.

 

 Nguyên bí thư Bình Dương Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới bị khởi tố do liên quan đến nhiều vụ án. Ảnh CACC
Nguyên bí thư Bình Dương Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới bị khởi tố do liên quan đến nhiều vụ án. Ảnh CACC


Mới đây, hàng loạt vụ án trọng điểm đã được tiếp tục đưa ra ánh sáng. Trong số những người bị khởi tố, bắt tạm giam không ít người là lãnh đạo cấp cao, cấp tỉnh, thành, cấp sở, doanh nghiệp lớn.

Điển hình là vụ khởi tố nguyên Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam trong vụ 43ha đất vàng liên quan đến Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3/2).

Hay việc khởi tố cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội liên quan đến Công ty Nhật Cường.

Và cũng không loại trừ việc ông Nguyễn Đức Chung sẽ tiếp tục bị xem xét trách nhiệm hình sự trong vụ việc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội với việc nâng khống giá cây, gây thiệt hại cho nhà nước 30 tỉ đồng trong dự án 1 triệu cây xanh Hà Nội thời ông này làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Tiếp đến là việc mở rộng điều tra vụ án xảy ra ở Viện tim Hà Nội, vụ án vi phạm pháp luật trong việc cổ phần hóa Tổng công ty xây dựng Công trình Giao thông 1- Cienco1 khiến nguyên Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc, kế toán trưởng bị khởi tố, bắt giam.

Đó đều là những vụ án lớn, bên cạnh đó, nhiều vụ án tiếp tục được đưa vào diện thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo, theo dõi.

Điều này cho thấy quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng nghỉ.

Ngày 28.7.2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quy định 22 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng thay thế Quy định 2016.

Quy định 22 có nhiều điểm mới, theo hướng cương quyết, mạnh mẽ, chặt chẽ hơn trong việc xử lý các đảng viên vi phạm.

Quy định 22 nhấn mạnh các nguyên tắc thi hành kỷ luật đảng đã bổ sung quy định khi đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xóa tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng.

Đặc biệt Quy định 22 nêu rõ đảng viên khi bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Việc cho phép sử dụng các nội dung vi phạm pháp luật do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp để chủ động kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật đảng viên mà không cần chờ tuyên án của tòa hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán là điểm mới so với quy định năm 2016.

Dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp khiến cả hệ thống chính trị, người dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Thế nhưng "căn bệnh” tiêu cực, tham nhũng cũng cần nhanh chóng đẩy lùi với những giải pháp mang tính thường xuyên, liên tục.

Quy định 22 có hiệu lực từ 28.7 sẽ là liều vaccine đủ mạnh để phòng, và chống tham nhũng tiêu cực trong bối cảnh hiện nay.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/chong-dich-covid-19-van-manh-me-dot-lo-chong-tham-nhung-937700.ldo

Theo LINH ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm