Thời sự - Bình luận

Chống lãng phí để vực lại nguồn lực phát triển đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ trong việc chống lãng phí, giải quyết triệt để nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí tài sản công để giữ gìn và vực dậy nguồn lực phát triển đất nước.

Cùng với bài viết “Chống lãng phí” được báo chí đăng tải hôm 13-10, phát biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội vào chiều 26-10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điểm một số công trình, dự án gây lãng phí lớn ngân sách nhà nước, đồng thời yêu cầu phải có giải pháp khắc phục nhằm vực lại nguồn lực phát triển đất nước.

Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm có đoạn: “Lãng phí diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.

Nhận định của người đứng đầu Đảng ta được cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội hết sức quan tâm, vì lãng phí đã thực sự là nỗi lo của đất nước. Nhất là khi có nhiều dự án đầu tư công tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ đồng ngân sách nhưng để dở dang không đưa vào sử dụng; những dự án đầu tư thiếu tính toán dẫn đến thua lỗ triền miên… Rõ ràng, “lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho Nhân dân, cho Chính phủ”.

Có thể kể như: Dự án chống ngập tại TP. Hồ Chí Minh với vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, nhưng qua 2 nhiệm kỳ mà người dân vẫn bị ngập lụt; Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nam được xây dựng cả chục năm, kiểm tra tới, kiểm tra lui vẫn “treo”. Thật khó có thể kể hết muôn kiểu lãng phí tài nguyên như thế!

Chúng ta tự hào về những thành tựu của công cuộc đổi mới gần 40 năm qua, khi biến một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh thành quốc gia đang phát triển, có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế cao như ngày nay. Quá trình ấy đã để lại nhiều bài học thành công, nhưng cũng không ít đắng cay, thất bại cần được nhìn nhận như những trả giá đớn đau trong quá trình phát triển. Đó là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nguồn lực quốc gia chưa được ngăn chặn triệt để. Những công trình xây dựng dở dang, những dự án không được đưa vào sử dụng, những khu đô thị không người ở, những khu đất vàng rậm rạp cỏ hoang… là thứ “lãng phí trông thấy” được. Còn có những thứ “lãng phí khó nhìn thấy” khác nhưng cũng rất tai hại, làm “lãng phí cơ hội phát triển” của đất nước.

Đó là tình trạng luật làm ra có tuổi thọ không cao, vừa làm xong đã sửa; là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ì ạch, tiền ngân sách không chảy vào nền kinh tế; là bộ máy hành chính với những thủ tục rườm rà; là cán bộ công chức quan liêu, hạch sách, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm, gây lãng phí thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp.

Sự lãng phí dù hữu hình hay vô hình cũng đều gây ra những tác hại vô cùng ghê gớm. Nói như Tổng Bí thư Tô Lâm là “làm suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”. Vì vậy, không chỉ đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, nhiệm vụ quan trọng và bức thiết lúc này là cần nhận diện khách quan, khoa học, toàn diện tình trạng lãng phí để đấu tranh loại bỏ nó, không để nguồn lực của đất nước bị hao mòn.

Những quan điểm thể hiện trong bài viết và phát biểu trước Quốc hội của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ của người đứng đầu Đảng ta trong việc phòng-chống lãng phí, giữ gìn và vực dậy nguồn lực phát triển đất nước, với 4 giải pháp trọng tâm. Đó là: xem đấu tranh phòng-chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, có vị trí tương đương với phòng-chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung hoàn thiện và triển khai hiệu quả thể chế phòng-chống lãng phí, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công; giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước; xây dựng văn hóa phòng-chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, như “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.

Tinh thần ấy sẽ được quy chế hóa, thể chế hóa trong quá trình lãnh đạo của Đảng và trong triển khai thực hiện của bộ máy quản lý nhà nước. Vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội cũng cần được phát huy. Tất cả phải hành động để cuộc đấu tranh phòng-chống lãng phí mang lại hiệu quả, thực sự là cuộc đấu tranh vì sự nghiệp phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Có thể bạn quan tâm