(GLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch số 158 (ngày 29-7) chỉ đạo việc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW (Chỉ thị 46) ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư (BBT) Trung ương (khóa X) và Chương trình số 11, ngày 18-3-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị 46 với nội dung “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”. Đây là một trong những văn bản rất quan trọng của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Chỉ thị 46 nhận định tình hình văn hóa trong giai đoạn hiện nay (2010 và điều đó vẫn nguyên giá trị cho đến nay) rất đáng quan tâm.
Tuyên truyền bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số. |
Đó là: “Thời gian qua, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, thích hưởng lạc, sa đọa; cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng. Tình trạng đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, an toàn, an ninh xã hội, dẫn đến khuynh hướng tự diễn biến về chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau”-Chỉ thị 46 nêu.
Theo nhận định trên của BBT, chúng tôi cho rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng liên quan và cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công chức, viên chức và mọi người... cần nghiêm túc đánh giá lại tình hình văn hóa ở ngay địa phương, đơn vị, gia đình, dòng họ của mình. Có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn văn hóa độc hại xâm nhập và xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, gia đình, xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam; bảo vệ và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tạo môi trường xã hội lành mạnh. Trong Chỉ thị 46, BBT yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở các cấp phải thực sự quan tâm, có kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống phù hợp với từng đối tượng trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, nâng cao năng lực và trình độ nhận biết, đánh giá để bài trừ, tẩy chay các sản phẩm văn hóa độc hại. BBT cũng đã yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị xây dựng và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, nền nếp các quy định cụ thể về ngăn chặn, phê phán, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào cơ quan, đơn vị, từng cá nhân.
Thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao ý thức tự giác của các thành viên trong gia đình tẩy chay, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại, bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Chỉ thị 46 nêu: Ngành Giáo dục và Đoàn Thanh niên cần đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; bằng nhiều biện pháp kiên quyết bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nhà trường và thế hệ trẻ.
Nội dung của Chỉ thị 46 khá rõ ràng, chi tiết, theo Chỉ thị này, BBT còn chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các ngành chức năng phải rà soát, đánh giá tình hình văn hóa và sự xâm nhập của văn hóa độc hại, đề ra nhiệm vụ, chương trình thực hiện cho lĩnh vực này, nhắm đến việc vừa ngăn chặn văn hóa độc hại vừa xây dựng, bảo tồn, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong kế hoạch sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 46 và Chương trình số 11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu ra mục đích, yêu cầu là chỉ rõ những gì đã làm được, những việc nảy sinh, những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm. Đồng thời tiếp tục đề ra chủ trương, giải pháp chỉ đạo, thực hiện trong những năm tiếp theo. Cũng qua lần sơ kết này, nâng cao nhận thức của mọi người, mọi ngành, mọi cấp tích cực, chủ động, tự giác trong việc phát hiện, tố giác, ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.
Trong những năm qua, mặc dù vẫn còn khó khăn về ngân sách, nhưng tỉnh ta cũng đã cố gắng đầu tư tương đối cho lĩnh vực văn hóa, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ cho đời sống tinh thần của nhân dân, nhiều thiết chế văn hóa cơ sở được chú ý đầu tư phát triển. Các phong trào xây dựng làng văn hóa, khối phố văn hóa, gia đình, công sở... văn hóa ít nhiều đem lại kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận, các đoàn thể, ngành chức năng chưa thật sự quán triệt đúng mức nội dung của Chỉ thị 46; việc học tập, tiếp thu và đề ra chương trình, nhiệm vụ triển khai thực hiện chưa tốt. Đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, tinh thần tốn kém không ít tiền của, song việc bảo về, phát huy tác dụng chưa tốt.
Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chính sách pháp luật của Nhà nước. |
Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cho các tầng lớp nhân dân, nhất là lực lượng thanh, thiếu niên nhận biết, đề phòng, tố giác, ngăn chặn, loại trừ các loại văn hóa độc hại xâm nhập vào cộng đồng, gia đình, xã hội làm chưa đến nơi đến chốn. Vùng xa, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn có truyền thống tốt đẹp trong mọi mối quan hệ cộng đồng, gia đình, nay nhiều nơi đã bị văn hóa độc hại xâm nhập, phá vỡ những gì được coi vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp, không ít cộng đồng, gia đình bị đảo lộn về đạo đức, các tệ nạn xã hội ngày càng phát triển... Đó là điều thật sự đau lòng, hết sức đáng quan tâm.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 46, trong thời gian đến chúng tôi nghĩ rằng cần nhận rõ văn hóa là nền tảng của xã hội, coi việc bài trừ văn hóa độc hại phải đồng thời với việc xây dựng, hình thành nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như tinh thần Nghị quyết Trung 5 khóa VIII đã đề ra!
Bích Hà