Số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng trở lại trong cộng đồng những ngày qua khiến tâm lý người dân lo ngại.
Hiện tại, những người dương tính Covid-19 phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, người dân lo ngại khi số ca mắc tăng cao, khi học sinh đến trường dễ lây cho nhau, rồi về nhà lây cho người lớn tuổi, người có bệnh nền. Tâm lý đó là khó tránh khỏi trong bối cảnh này.
Còn nhớ, đầu năm 2021 tình hình dịch Covid-19 tại VN nhẹ, ít người nhiễm, nhưng rồi sau đó dịch bùng phát dữ dội, khiến chúng ta trở tay không kịp. Khi đó ngành y tế và cả chính quyền các địa phương rơi vào thế lúng túng, bị động. Bởi lúc bấy giờ chúng ta chưa có sự chuẩn bị kỹ, đầy đủ các “vũ khí” cũng như các phương án ứng phó dịch bệnh: từ việc chúng ta chưa có đầy đủ vắc xin; áp dụng chưa hợp lý trong cách ly F0, chăm sóc F0 tại nhà hay ở khu dã chiến; hoặc để tập trung đông khi xét nghiệm, chích vắc xin...
Mặt khác, trước đợt dịch 2021, tâm lý nhiều người dân “chưa biết sợ”, còn lơ là trong phòng dịch, nhất là việc thực hiện 5K...
Từ những bài học thực tiễn qua đợt dịch lần trước, lần này người dân tin rằng các cơ quan chuyên môn, chính quyền sẽ có những bước chủ động, “đúng bài” hơn trong phòng chống dịch Covid-19.
Những ngày qua tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc cả nước ngày 23.2 vọt lên trên 60.000 ca (gần gấp đôi so với 1 tuần trước đó), số tử vong cùng ngày 91 ca. Diễn biến dịch bệnh khó lường đó đòi hỏi các địa phương và cả người dân không thể lơ là với Covid-19.
Mặc dù hiện nay không còn chú trọng vào “đếm ca” F0, đã chấp nhận không “Zero F0”, mở cửa lại các hoạt động để phát triển kinh tế... tuy nhiên, cần phải kiểm soát, hạn chế việc lây nhiễm được chừng nào tốt chừng ấy. Bởi khi số ca mắc gia tăng nhanh, liên tục sẽ gây tâm lý hoang mang trong dân, gây áp lực lên các cơ sở khám chữa bệnh, bên cạnh đó còn kéo theo nhu cầu về kit test xét nghiệm, thuốc chữa trị gia tăng sẽ dẫn đến thiếu hụt, không đáp ứng kịp…
Sau “lớp cửa” phòng dịch lây lan, là khâu chủ động chuẩn bị của ngành y tế, các địa phương về năng lực, cơ sở vật chất cho hệ thống khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở lên tuyến trên, để đủ năng lực đáp ứng nếu dịch phức tạp, đông bệnh nhân vào viện.
Khi có sự chuẩn bị đầy đủ từ phương tiện, con người đến các phương cách phòng chống dịch, chúng ta sẽ chủ động hơn dù dịch Covid-19 có phức tạp.
Lần gia tăng số ca này đã được dự báo trước, “vũ khí” vắc xin và thuốc đặc trị đã sẵn sàng, vấn đề còn lại là tổ chức khoa học, hợp lý và ý thức của từng người để tất cả cùng không sợ hãi vượt qua.
Theo Thanh Tùng (TNO)