Kinh tế

Gia Lai:

Chủ động sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2024-2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sở Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành Công văn số 4266/SNNPTNT-CCTTBVTV về việc hướng dẫn sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2024-2025.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (xã An Phú, thành phố Pleiku) gieo ươm các loại giống rau, củ quả phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Nam

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Mùa mưa ở khu Tây Nguyên có thể kết thúc muộn hơn bình thường (khoảng nửa cuối tháng 12-2024). Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo lịch thời vụ đối với khu vực phía Tây tỉnh: đối với chân ruộng đủ nước tưới thì xuống giống lúa nước đại trà tập trung từ ngày 10 đến 31-12; đối với chân ruộng không chủ động nước, có nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ thì nên sử dụng giống ngắn ngày, xuống giống sớm hơn lúa đại trà để tranh thủ độ ẩm đất, kết thúc gieo sạ trước ngày 10-12; đối với chân ruộng thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ cuối năm (đầu vụ Đông Xuân) thì gieo sạ muộn hơn và tập trung trong khung thời vụ từ ngày 20-12-2024 đến 10-1-2025.

Người dân mua cây giống cà phê tại vườn ươm của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) để chuẩn bị trồng tái canh. Ảnh: Lê Nam

Tại vùng phía Đông, Đông Nam của tỉnh: Đối với chân ruộng chủ động nguồn nước thì xuống giống lúa đại trà tập trung từ ngày 10 đến 31-12; đối với chân ruộng không chủ động nguồn nước, có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ nên xuống giống sớm hơn lúa đại trà, chính vụ, kết thúc gieo sạ trước ngày 10-12 và sử dụng giống ngắn ngày, chống chịu khô hạn; đối với chân ruộng thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa lũ đầu vụ cần gieo sạ tập trung từ ngày 10-1 đến trước ngày 25-1.

Ngoài ra, đối với các loại cây trồng như: bắp, lúa cạn, khoai lang, mì, mía, rau, đậu đỗ... người nông dân cần tập trung gieo trồng từ cuối tháng 11-2024 đến giữa tháng 1-2025. Đối với cây dược liệu, cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả thì tùy theo điều kiện nước tưới, lượng mưa và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở từng vùng mà địa phương lựa chọn thời vụ trồng cho thích hợp với từng loại dược liệu, cây ăn quả lâu năm.

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) lắp hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây thuốc lá. Ảnh: Lê Nam

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa chủ lực: HT1, TBR 97, ST24, ST25, LH12, TBR225, OM4900, OM5451, IR64, ML 48, BC15, ĐT100, HN6, HG12, Nhị ưu 838,…; các giống lúa bổ sung là OM468, OM 6976, ĐV108, TBR45, TBR 87, Hương Châu 6,…; giống bắp Bioseed 9698, CP 888, LVN10, HN88, NK7328Bt/GT, NK67Bt/GT, NK4300Bt/GT… và một số giống ngô có khả năng kháng sâu keo mùa thu; giống mì ít bị nhiễm bệnh như: KM94, KM 419, KM 140, HN5, đặc biệt hạn chế việc trao đổi, mua bán giống không rõ nguồn gốc, không sử dụng các giống sắn bị nhiễm bệnh khảm lá nặng HL-S11, KM 98-5 để sản xuất; giống mía có thời gian chín trung bình và muộn như: KK3, Uthong 11, LK92-1, K88-92, K95-84, Suphanburi7; giống khoai lang Lệ Cần, giống khoai lang Nhật; giống đậu xanh HLĐX6, ĐX.208; giống đậu lạc L14, L25, HL25… Một số giống cây ăn quả được trồng phổ biến, thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Gia Lai như: bơ (Booth7, Hass, bơ 034), sầu riêng (Ri 6, Dona), mít (mít Thái, mít nghệ, mít không hạt), chôm chôm (chôm chôm nhãn, chôm chôm Thái), chanh leo (Đài Nông 1, Tai one, Tai Shang),…

Có thể bạn quan tâm