Chủ động tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Hội nghị chuẩn nghèo đa chiều và công tác điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 do Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Gia Lai tổ chức mới đây, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông NGÔ TRƯỜNG THI-Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) xung quanh vấn đề này.

- P.V: Xin ông cho biết sự cần thiết phải thực hiện chuẩn nghèo đa chiều?

 

Ông Ngô Trường Thi (đứng) triển khai nội dung nghèo đa chiều tại hội nghị. Ảnh. Đ.Y

Ông NGÔ TRƯỜNG THI: Nghèo là một hiện tượng đa chiều, tình trạng nghèo cần được nhìn nhận là từ sự thiếu hụt, không được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người chứ không chỉ là thu nhập. Từ cách nhìn nhận này, việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều theo hướng đa chiều nhằm tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, không bỏ sót đối tượng để có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo. Tiếp cận đo lường nghèo đa chiều cơ sở để các bộ, ngành, địa phương sử dụng nguồn lực dành cho chương trình giảm nghèo hợp lý, tập trung và hiệu quả.
 

Hộ nghèo có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 700.000 đồng trở xuống ở khu vực nông thôn và từ 900.000 đồng trở xuống ở khu vực thành thị hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn 700.000 đồng nhưng thấp hơn 1.000.000 đồng ở khu vực nông thôn; cao hơn 900.000 đồng nhưng thấp hơn 1.300.000 đồng ở khu vực thành thị và thiếu hụt từ 3 chỉ số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Hộ cận nghèo có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn 700.000 đồng nhưng thấp hơn 1.000.000 đồng ở khu vực nông thôn; cao hơn 900.000 đồng nhưng thấp hơn 1.300.000 đồng ở khu vực thành thị và thiếu hụt dưới 3 chỉ số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Còn hộ có mức sống dưới trung bình là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 1.500.000 đồng và cao hơn 1.000.000 đồng ở khu vực nông thôn; dưới 1.950.000 đồng và cao hơn 1.300.000 đồng ở khu vực thành thị.

- P.V: Vậy, xác định các tiêu chí nghèo đa chiều dựa trên cơ sở nào, thưa ông?

Ông NGÔ TRƯỜNG THI: Theo Quyết định 59 của Thủ tướng Chính phủ, các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều dựa trên tiêu chí chuẩn hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận đa chiều và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (các chiều). Thứ nhất là: các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường. Thứ hai là: các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt gồm 10 chỉ số: trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; loại hố xí/nhà tiêu; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

- P.V: Vậy giải pháp giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 thay đổi như thế nào?

Ông NGÔ TRƯỜNG THI: Giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ tập trung vào địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Chính sách hỗ trợ mang tính tích hợp các chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo trước đây: Thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính. Bên cạnh đó, xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; gắn kết với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và 21 chương trình có mục tiêu. Thực hiện phân bổ vốn trung hạn, bảo đảm công khai, minh bạch, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, cơ sở.

Chính sách lấy đối tượng người nghèo làm trung tâm để thực hiện hỗ trợ, như hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ, người nghèo. Chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để từng bước vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ cho người dân những gì người dân không làm được, Nhà nước không làm thay, mà chỉ ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện. Tăng cường trao quyền cho người dân, cộng đồng để phát huy sáng kiến, cách làm hay phù hợp đặc điểm địa bàn, nhóm dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đi đôi với trách nhiệm giải trình. Chính sách hỗ trợ nhóm hộ, cộng đồng gồm: chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu thôn làng, hỗ trợ sinh kế dựa vào cộng đồng...

Nguồn lực thực hiện chương trình từ ngân sách nhà nước là chủ yếu. Tuy nhiên, việc huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng, đặc biệt là sự đóng góp của người nghèo... cũng có ý nghĩa rất quan trọng.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

Đinh Yến (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm