Kinh tế

Chư Păh khai thác lợi thế để thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã nỗ lực tạo đột phá trong thu hút các nhà đầu tư đến khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Nhiều tiềm năng, thế mạnh
Huyện Chư Păh có mạng lưới giao thông tương đối thuận lợi với trục quốc lộ 14 chạy xuyên qua nhiều xã, thị trấn và kết nối đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ 661, quốc lộ 19D. Đây được xem là lợi thế quan trọng để phát triển giao thương, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện gần 22.000 ha, trong đó, cây công nghiệp dài ngày hơn 11.000 ha, chủ yếu là cà phê, cao su, hồ tiêu, bời lời. Cùng với đó, diện tích đồng cỏ và đất có khả năng chăn thả gia súc tương đối lớn, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi. Ngành nông-lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế của huyện. Những năm qua, huyện chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh hàng hóa cũng là yếu tố hấp dẫn, thu hút hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các ngành, thành phần kinh tế.
Về công nghiệp, huyện có một số cơ sở như: các nhà máy thủy điện (Ia Ly, Sê San 3, Ry Ninh I, Ry Ninh II, Hà Tây); nhà máy chế biến chè, cà phê; nhà máy sản xuất xi măng, gạch Tuynel, khí Etilen... và 1 cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp quy mô khoảng 53,19 ha rất thuận lợi cho các nhà đầu tư đến xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, huyện có tiềm năng rất lớn về du lịch với nhiều thắng cảnh, điểm tham quan nổi tiếng, như: thác Công Chúa, Nhà máy thủy điện Ia Ly, làng du lịch Ia Mơ Nông, núi lửa Chư Đang Ya, hàng thông trăm tuổi, Biển Hồ chè, đập Tân Sơn, suối đá cổ làng Vân...
Bình minh trên đỉnh Chư Đang Ya. Ảnh: Phan Nguyên
Bình minh trên đỉnh Chư Đang Ya. Ảnh: Phan Nguyên
Để khai thác tiềm năng hiện có, Huyện ủy Chư Păh có Đề án số 01-ĐA/HU về đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, huyện phấn đấu trở thành điểm đến du lịch đảm bảo các điều kiện tốt nhất về môi trường xanh-sạch-đẹp, an ninh, an toàn và thân thiện. Mới đây, UBND huyện giao Phòng Văn hóa-Thông tin phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện thực hiện điều chỉnh và triển khai dự án đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển du lịch trên địa bàn; yêu cầu các phòng chức năng tham mưu UBND huyện tiếp nhận kinh phí, triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng từ nguồn kinh phí của Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh dịch vụ Ia Ly tài trợ đảm bảo đúng quy định; đồng thời, thống nhất cho Công ty cổ phần Công nghệ tài nguyên năng lượng Tây Nguyên (TRE) được nghiên cứu, lập quy hoạch Khu du lịch sinh thái suối đá cổ Ia Ly (làng Vân) dưới hình thức tài trợ 100% kinh phí. Sau khi quy hoạch hoàn thành, huyện sẽ cân đối nguồn vốn ngân sách, huy động xã hội hóa để đầu tư theo quy định.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, huyện Chư Păh luôn đặt chỉ tiêu phát triển mới doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển ổn định. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã thành lập mới 22 doanh nghiệp. Toàn huyện hiện có khoảng 90/172 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trong các lĩnh vực: xây dựng, nông-lâm nghiệp, chế biến... Năm 2021, 3 dự án liên quan đến tài nguyên khoáng sản, năng lượng, chăn nuôi trên địa bàn huyện được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: Khai thác mỏ cát xây dựng xã Hà Tây với công suất 10.000 m3/năm; Nhà máy điện mặt trời KN Ia Ly với công suất thiết kế 500 MW và Trang trại chăn nuôi heo xã Ia Nhin với quy mô 15.000 con. Quý I-2022, UBND huyện đã tham gia ý kiến đối với 9 dự án được các nhà đầu tư xin khảo sát, đề xuất và điều chỉnh chủ trương đầu tư, thống nhất bổ sung vào danh mục kêu gọi đầu tư 4 dự án. Ông Nguyễn Quốc Hùng-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện-cho biết: “Đến nay, trên địa bàn huyện có 17 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện, trong đó có 7 dự án nằm trong Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp. Các dự án đầu tư trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế lớn của địa phương như: nông-lâm nghiệp, năng lượng, du lịch. Nhiều dự án có quy mô, kinh phí đầu tư lớn như: Dự án Nhà máy điện mặt trời KN Ia Ly do Công ty cổ phần Điện mặt trời Ia Ly thực hiện với tổng vốn đầu tư 9.559 tỷ đồng”.
Bên cạnh các dự án do nhà đầu tư đề xuất, UBND huyện cũng đã xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Cụ thể, có 26 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, trong đó có 9 dự án thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, 5 dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến, 9 dự án lĩnh vực công nghiệp sản xuất, 2 dự án liên quan đến du lịch và 1 dự án nông-lâm-thủy sản. Ủy ban nhân dân huyện cũng đề xuất bổ sung 24 dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Tạo môi trường thông thoáng
Nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Nay Kiên nhấn mạnh: “Ủy ban nhân dân huyện cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi khảo sát, đề xuất dự án; giới thiệu quỹ đất, hỗ trợ thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng... tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật và quy định về ưu đãi đầu tư của tỉnh”.
Về giải pháp thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND huyện nêu rõ: Huyện triển khai áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định chung và các chính sách ưu đãi đặc thù tại tỉnh; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới (năm 2022 phấn đấu hoàn thành mới 20 doanh nghiệp) và giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Mặt khác, huyện chú trọng đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính; công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đấu thầu... để doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận. Tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo hướng phấn đấu giảm 30-70% thời gian thực hiện so với quy định của pháp luật. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cũng như tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của cơ quan nhà nước.
Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya là một trong những hoạt động quảng bá du lịch của địaphương. Ảnh: Đức Thụy
Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya là một trong những hoạt động quảng bá du lịch của địa phương. Ảnh: Đức Thụy
“Huyện luôn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các cơ sở chế biến quy mô lớn, có thiết bị, công nghệ tiên tiến tại Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp và tận dụng nguồn nguyên liệu chủ lực của địa phương để phát triển các ngành công nghiệp chế biến. Để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp, nắm bắt tình hình, tham mưu kịp thời giúp UBND huyện giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Về phía huyện cũng thường xuyên liên hệ, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để nắm tình hình triển khai các dự án và có hướng dẫn cụ thể”-Chủ tịch UBND huyện thông tin.
Ngoài ra, từ nguồn kinh phí tỉnh phân cấp và nguồn ngân sách địa phương, huyện quan tâm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã phê duyệt và giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư 4 dự án lớn: đường giao thông huyện (chiều dài 3,03 km), trụ sở UBND huyện, đường liên xã, hồ thị trấn Phú Hòa. Trong đó, Dự án đường giao thông huyện và đường liên xã đáp ứng nhu cầu giao thông, giao thương và kết nối vùng. Trụ sở UBND huyện sẽ triển khai thi công, hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025 nhằm tạo môi trường làm việc khang trang, năng động, hiện đại cho cán bộ, công chức và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đến liên hệ làm việc. Đối với hồ thị trấn Phú Hòa, ngoài tạo cảnh quan môi trường kết hợp du lịch sinh thái còn có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt, đảm bảo nước tưới cho hơn 50 ha lúa và cây trồng ở vùng hạ lưu.
HUY NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm