Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Chư Păh khai thác tiềm năng để phát triển du lịch, dịch vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đặc biệt nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Păh lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020-2025). 



Sáng 12-8, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Păh lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã khai mạc. Tham dự Đại hội có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các ban Đảng tỉnh; HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ cùng 250 đại biểu chính thức đại diện cho 2.631 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Păh nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Đ.T



Nhiều lợi thế, tiềm năng

Huyện Chư Păh có nhiều lợi thế, tiềm năng về đất đai, khoáng sản và là cửa ngõ quan trọng thuộc hành lang kinh tế phía Bắc của tỉnh. Nằm giữa 2 TP. Pleiku và Kon Tum, có quốc lộ 14 ngang qua, huyện Chư Păh có nhiều thuận lợi trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội. Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đô thị và nông thôn được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 2 công trình điện quy mô lớn là Thủy điện Ia Ly và Trạm biến áp 500 kV Pleiku góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của huyện ở cả đô thị và nông thôn.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự đại hội. Ảnh: Đức Thụy



Không chỉ vậy, Chư Păh còn được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng. Toàn huyện có 26 dân tộc cùng sinh sống tạo nên sự đa dạng về văn hóa trong cộng đồng các dân tộc. Người dân lưu giữ nhiều phong tục tập quán độc đáo, gìn giữ nhiều lễ hội truyền thống giàu ý nghĩa như: pơ thi, mừng lúa mới, cúng nhà rông, giọt nước… Ông Nguyễn Hữu Quới-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Păh-cho biết: “Huyện Chư Păh sở hữu đội ngũ nghệ nhân đông đảo ở các loại hình văn hóa dân gian như: cồng chiêng, dệt thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc, tạc tượng, đan lát, hát dân ca… Bên cạnh đó, thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này nhiều thắng cảnh tươi đẹp. Trong đó không thể không nhắc đến núi lửa Chư Đang Ya-một trong những núi lửa đẹp nhất thế giới, dãy núi Chư Nâm (xã Chư Đang Ya), núi Chư Pao (xã Ia Khươl), thác Công Chúa (xã Ia Mơ Nông)... Nhiều ngôi làng dân tộc thiểu số vẫn còn nét hoang sơ, yên bình với mái nhà rông, nhà sàn truyền thống”. Làng Phung, làng Kép (xã Ia Mơ Nông), làng Kon Sơ Lal, Kon Măh (xã Hà Tây)… là những địa điểm quen thuộc hấp dẫn hàng ngàn du khách yêu thích khám phá văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC



Ông Phạm Minh Châu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông-cho hay: “Được sự quan tâm của các ngành và chính quyền địa phương, bà con trong các ngôi làng trên địa bàn xã vẫn gìn giữ nguyên vẹn đặc sắc văn hóa truyền thống, tạo thành điểm nhấn thu hút du khách tham quan. Bà con cũng ngày càng có ý thức trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làm thành sản phẩm độc đáo để quảng bá, giới thiệu đến du khách gần xa như thổ cẩm, rượu ghè, các sản phẩm đan lát…”.  

Phát huy điều kiện thuận lợi trên, thời gian qua, huyện Chư Păh đã đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư các khu, điểm du lịch, phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Trong năm 2017 và 2018, huyện đã bố trí hơn 5,5 tỷ đồng để tổ chức Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya. Sự kiện này đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên ghi nhận những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân huyện Chư Păh đạt được trong thời gian qua. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, huyện đã có hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đó là đầu tư phát triển ngành du lịch-dịch vụ. Huyện đã phối hợp tốt với các ngành của tỉnh tổ chức thành công Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh, kêu gọi thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch sinh thái làng Phung, làng Kép I (xã Ia Mơ Nông), Thủy điện Ia Ly (thị trấn Ia Ly) tăng lên hàng năm.

Khai thác nguồn lực đầu tư dịch vụ, du lịch

Bên cạnh ghi nhận và đánh giá cao những tiềm năng của huyện Chư Păh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc khai thác, tận dụng những thế mạnh về du lịch trong thời gian qua. Bên cạnh đó, trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều; còn nhiều thôn, làng đặc biệt khó khăn; mức sống bình quân của người dân vẫn chưa được cải thiện.

Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Păh nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Đ.T


Trong ngày làm việc đầu tiên, Đại hội đã thông qua các dự thảo văn kiện Đại hội gồm: Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa V (nhiệm kỳ 2015-2020); báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia góp ý văn kiện Đại hội cấp trên. Đại hội đã tiến hành bầu 36 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa VI (nhiệm kỳ 2020-2025); lấy phiếu giới thiệu của đại biểu dự Đại hội về nhân sự Bí thư Huyện ủy khóa VI (nhiệm kỳ 2020-2025) đối với đồng chí Trần Minh Sơn-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Păh nhiệm kỳ 2015-2020. Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới cũng tiến hành Hội nghị lần thứ nhất để bầu Ban Thường vụ, Bí thư, các Phó Bí thư; bầu Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy nhiệm kỳ 2020-2025.
 

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: “Chư Păh là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế. Cùng với việc huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, huyện phải nghiên cứu, đánh giá kỹ những tiềm năng thế mạnh về tự nhiên, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa. Đặc biệt là lợi thế về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, du lịch và thủy điện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động mạnh hơn nữa theo hướng phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ”. Theo Bí thư Tỉnh ủy, trước mắt, Chư Păh cần tích cực kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực mà huyện có thế mạnh như: năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái kết hợp với trồng rừng sản xuất, khai thác tuyến du lịch Thủy điện Ia Ly, Biển Hồ-Chư Đang Ya, loại hình thể thao vùng núi… Để thực hiện được mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch như chủ đề Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khóa VI đã nêu, huyện cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển nông-lâm nghiệp-thủy sản; ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ sau thu hoạch. Đặc biệt, tận dụng tối đa yếu tố thuận lợi vị trí địa lý để phát triển sản xuất kinh doanh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, nhất là cho kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ, thương mại, đặc biệt là với thắng cảnh núi lửa Chư Đang Ya. Cùng với đó, tập trung phát triển nhanh các sản phẩm OCOP mang thương hiệu riêng bảo đảm an toàn, đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch, gắn chế biến với thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, để phát triển du lịch bền vững, huyện phải chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; đảm bảo an sinh xã hội, trọng tâm là giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, có chính sách chăm lo hỗ trợ, giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số tại chỗ phát triển kinh tế. Với tinh thần “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển”, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, huy động tối đa mọi nguồn lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tin rằng, Đảng bộ và nhân dân huyện Chư Păh sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ.

PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm