Tiềm năng phát triển cây sầu riêng
Trong khoảng 4-5 năm trở lại đây, cây sầu riêng phát triển khá mạnh ở các xã: Ia Ka, Ia Khươl, Ia Mơ Nông, Ia Nhin, Nghĩa Hòa, Hòa Phú và 2 thị trấn Phú Hòa, Ia Ly. Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, việc tiêu thụ sầu riêng có nhiều thuận lợi với mức giá khá cao, giúp nhiều hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng/ha.
Hiện nay, toàn huyện có khoảng 750 ha sầu riêng (tăng hơn 600 ha so với năm 2019), trong đó, khoảng 200 ha đang thời kỳ kinh doanh.
Người dân thôn 2 (xã Ia Ka) thu hoạch sầu riêng. Ảnh: L.N |
Gia đình ông Nguyễn Hữu Hùng (thôn 2, xã Ia Ka) hiện có hơn 900 cây sầu riêng trồng thuần trên diện tích gần 5 ha, trong đó, 290 cây đã cho thu hoạch. Ông Hùng cho biết: Năm nay, 290 cây sầu riêng của gia đình cho thu hoạch được 34 tấn quả. Tuy nhiên, vào thời điểm sầu riêng làm cơm thì gặp mưa kéo dài khiến nhiều quả bị sượng nước nên giá bán chỉ được khoảng 40 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận chỉ đạt khoảng 800 triệu đồng.
Ở đây, những hộ thu hoạch sầu riêng sớm, quả không bị sượng thì giá bán bình quân 80-90 ngàn đồng/kg, còn quả loại 1 bán được giá hơn 100 ngàn đồng/kg. Cây sầu riêng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Chư Păh, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với cây cà phê.
“Sầu riêng của gia đình được trồng theo hướng hữu cơ. Để xuất khẩu, tôi phối hợp với vài hộ cùng trồng sầu riêng xây dựng mã số vùng trồng với diện tích 11 ha. Ngoài ra, tôi cũng tham gia Hội Sầu riêng huyện Chư Păh để giao lưu, học hỏi trong canh tác, tiêu thụ sản phẩm”-ông Hùng chia sẻ.
Tương tự, năm 2020, ông Nguyễn Ngọc Bích (tổ 1, thị trấn Ia Ly) trồng hơn 230 cây sầu riêng trên diện tích hơn 2 ha tại làng Ia Lok, xã Ia Mơ Nông. Ông đã tham gia vùng trồng với HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông và ký kết bao tiêu sản phẩm.
Việc tham gia vùng trồng đòi hỏi nông dân phải canh tác theo quy trình của nước nhập khẩu, theo hướng dẫn của HTX, có sổ tay ghi chép, áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).
“Vụ này, gia đình tôi thu được hơn 4,2 tấn sầu riêng và HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ và du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông thu mua với giá 92 ngàn đồng/kg. Mặc dù mới có 120 cây sầu riêng cho thu hoạch bói nhưng gia đình đã có lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng”-ông Bích vui vẻ nói.
Ông Nguyễn Ngọc Bích (tổ 1, thị trấn Ia Ly) bên vườn sầu riêng có diện tích 2 ha trồng tại làng Ia Lok (xã Ia Mơ Nông). Ảnh: L.N |
Đây là năm đầu tiên vườn sầu riêng rộng 12 ha (11 ha giống Musang King, 1 ha giống Monthong) của ông Nguyễn Chất Sâm-Chủ Farmstay Sâm Phát Ialy (tổ 3, thị trấn Ia Ly) cho thu hoạch.
Ông Sâm cho hay: Năm nay, gần 1.000 cây sầu riêng cho thu bói được 50 tấn quả. Đối với loại sầu riêng Monthong, ông bán giá 70 ngàn đồng/kg, còn sầu riêng Musang King giá 155 ngàn đồng/kg.
“Vừa rồi, tôi có xuất một ít sầu riêng qua Malaysia, còn lại bán chủ yếu ở thị trường trong nước. Ngoài trồng sầu riêng, tôi còn kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Năm nay, du khách đến với Farmstay Sâm Phát Ialy được trải nghiệm thưởng thức sầu riêng tại vườn và mua về làm quà”-ông Sâm chia sẻ.
Liên kết sản xuất hướng đến xuất khẩu
Để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng và hướng đến xuất khẩu sản phẩm, huyện Chư Păh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đến nay, huyện đã xây dựng được 8 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 205 ha.
Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông là một trong những đơn vị tiên phong xây dựng mã số vùng trồng cho cây sầu riêng. Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX-cho biết: Thị trường Trung Quốc yêu cầu các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được xuất khẩu chính ngạch.
Vì vậy, HTX đã xây dựng được 3 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 124 ha tại các xã: Ia Khươl, Ia Ka, Ia Nhin, Ia Mơ Nông. Năm nay, HTX đã thu mua sầu riêng trên địa bàn và xuất khẩu được trên 300 tấn sang Trung Quốc.
Theo ông Thanh, để hình thành các vùng chuyên canh sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu, ngành chức năng địa phương phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng xây dựng quy trình canh tác để sản phẩm có chất lượng đồng đều.
Ngành chuyên môn cần đưa ra quy trình canh tác, tránh tình trạng mạnh ai người đó làm. Người trồng sầu riêng cũng cần thống nhất một quy trình, có sổ nhật ký canh tác, thành lập tổ, nhóm, hội, HTX để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng xuất khẩu.
“Năm tới, HTX tập trung liên kết sản xuất khoảng 100 ha sầu riêng, trong đó sẽ ký kết với người dân sản xuất đảm bảo đúng quy trình, có sổ nhật ký canh tác. Hợp tác xã sẽ hỗ trợ vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho người dân”-ông Thanh thông tin.
Các chuyên gia, nhà khoa học và nông dân tham quan mô hình cà phê xen sầu riêng tại xã Ia Nhin. Ảnh: L.N |
Bên cạnh đó, huyện Chư Păh đã thành lập các HTX, chi/tổ hội trồng và chăm sóc sầu riêng như: Hội Sầu riêng huyện với 21 thành viên; Tổ hợp tác sầu riêng xã Nghĩa Hưng với 41 thành viên; Nông hội sầu riêng xã Ia Nhin với 27 thành viên; HTX Dịch vụ nông nghiệp sầu riêng Hòa Phú (xã Hòa Phú); 2 chi hội nông dân nghề nghiệp trồng và chăm sóc sầu riêng tại xã Ia Nhin và Ia Khươl; 15 tổ hội trồng và chăm sóc cây sầu riêng.
Ông Nguyễn Chất Sâm-Chủ tịch Hội Sầu riêng huyện-cho biết: “Hội tăng cường kết nối các doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh sầu riêng xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng phổ biến, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong vùng sản xuất tập trung để xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức tham quan, học tập tại các hội chợ, các mô hình nông hội nhằm giao lưu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh… Đây là nơi để chúng tôi ngồi lại chia sẻ, học hỏi lẫn nhau trong sản xuất, phòng trừ bệnh và tiêu thụ sầu riêng”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Đến nay, nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn đã cho thu hoạch, năng suất đạt 15-20 tấn/ha và được khách hàng đánh giá chất lượng tốt. Trên địa bàn hiện đã có 17 ha sầu riêng được cấp chứng nhận VietGAP.
Để hướng đến mục tiêu xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhất là sản phẩm trái cây theo đường chính ngạch, huyện đang tích cực tuyên truyền người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, đồng thời hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết và mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục làm thủ tục để xây dựng nhãn hiệu sầu riêng Chư Păh. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện các mô hình hỗ trợ giống sầu riêng, kỹ thuật cho người dân trồng xen trong vườn cà phê nhằm nâng cao thu nhập trên cùng diện tích.
Đồng thời, tuyên truyền, định hướng các HTX, doanh nghiệp liên kết với người dân xây dựng mã số vùng trồng để sản phẩm đủ các điều kiện xuất khẩu.
Đến năm 2025, huyện phấn đấu có khoảng 1.000 ha sầu riêng; định hướng đến năm 2030 mở rộng diện tích cây ăn quả, trong đó có khoảng 1.500 ha sầu riêng. Quy hoạch tầm nhìn đến năm 2040, huyện tiếp tục duy trì và phát triển diện tích cây ăn quả chủ lực, trong đó có khoảng 2.000 ha sầu riêng”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.