Trong đó, không ít hộ có thu nhập 1-2 tỷ đồng/năm từ loại cây trồng được ví là “nữ hoàng” của các loại trái cây bởi hương thơm nồng nàn đến ngất ngây cùng vị béo ngậy này.
Từ người làm thuê về bán đất lấy tiền trồng sầu riêng
Biết mục đích đến thăm của chúng tôi, ông Ayăi không giấu được niềm vui. Nụ cười luôn rạng rỡ trên khuôn mặt của lão nông năm nay tròn 60 mùa rẫy. Sau đôi ba câu chuyện làm quen, ông vui vẻ dẫn chúng tôi ra thăm vườn sầu riêng của gia đình.
Đưa mắt ngắm nhìn những quả sầu riêng căng tròn trên cây cao tầm chục mét, ông Ayăi hồi nhớ: Hơn 20 năm trước, cuộc sống gia đình rất khó khăn, luôn thiếu trước hụt sau. Để có tiền nuôi 4 người con đang độ tuổi ăn học, ông làm thuê cho một hộ người Kinh ở xã Kdang, huyện Đak Đoa. Gia đình người chủ có vườn sầu riêng trồng xen với cà phê.
Hàng ngày, ông vừa chăm chỉ làm việc vừa để ý học hỏi gia chủ nhằm tích lũy kinh nghiệm chăm sóc 2 loại cây trồng này. Sau gần 2 năm đi làm thuê, nhận thấy hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại, ông nuôi quyết tâm làm giàu bằng chính mồ hôi, công sức của mình. Nhận được sự động viên, khích lệ cùng lời khuyên “nếu muốn làm giàu thì nên bắt đầu từ cây sầu riêng” của chủ vườn, ông càng thêm quyết tâm.
Vườn sầu riêng trĩu quả của gia đình ông Ayăi. Ảnh: N.D |
Năm 2007, ông Ayăi quyết định bán 1 ha đất với giá 12 triệu đồng và dùng số tiền này mua 100 cây sầu riêng giống Monthong về trồng trong vườn nhà. “Lúc ấy, bà con dân làng người thì bày tỏ sự ngạc nhiên, người lại không giấu được tò mò nên kéo đến nhà hỏi thăm. Hầu như ai cũng lấy làm lạ khi biết tôi đưa giống sầu riêng về trồng. Có người còn cười rồi bảo, người Kinh trồng còn chưa ăn thua, huống hồ là đồng bào mình. Cũng có người còn lấy việc này làm cái cớ để trêu chọc tôi trong những buổi họp làng hay những lần vô tình gặp gỡ trên đường.
Những việc như vậy xảy ra có lẽ là bởi, cho đến thời điểm đó, tôi là người đầu tiên ở làng Ktu mạnh dạn đưa cây sầu riêng về trồng xen trong vườn cà phê của gia đình. Theo thời gian, thấy vườn cây đậu quả, cho năng suất cao, bán được giá, thu về được nhiều tiền, dân làng dần dần thay đổi suy nghĩ, lại còn trầm trồ khen tôi giỏi bởi đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Nhiều người tìm đến tham quan vườn cây, học hỏi kinh nghiệm. Thấy vậy, tôi mừng lắm”-ông Ayăi vui vẻ kể.
Không khen sao được, khi dân làng còn đang loay hoay tìm loại cây trồng cho thu nhập ổn định thì gia đình ông Ayăi đã có thu nhập cao từ cây sầu riêng và cà phê. Hơn nữa, không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Ayăi còn thường xuyên đến từng nhà dân trong làng tuyên truyền, vận động bà con chủ động thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăm chỉ làm ăn để nâng cao thu nhập, vươn lên gầy dựng cuộc sống.
“Năm 2013, cây sầu riêng bắt đầu đậu quả, thương lái đến vườn thu mua với giá 19-20 ngàn đồng/kg. Từ đây, gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Tiền bán sầu riêng, gia đình tiếp tục tái đầu tư chăm sóc vườn cây và trang trải cuộc sống. Từ năm 2016 đến nay, giá sầu riêng liên tục tăng từ 40 đến 85 ngàn đồng/kg, thu nhập của gia đình cũng tăng theo. Vậy nên, việc tôi bỏ túi 300-500 triệu đồng mỗi năm đã không còn là chuyện mới mẻ hay ngạc nhiên gì đối với dân làng.
Có tiền, tôi sửa nhà, mua sắm xe máy, các đồ dùng phục vụ cuộc sống và nuôi các con ăn học. Không những vậy, tôi còn vào các tỉnh miền Tây học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình với quyết tâm nâng cao năng suất của loại cây trồng được ví là “nữ hoàng” của các loại trái cây này, bởi hương thơm nồng nàn đến ngất ngây cùng vị béo ngậy gây nghiện của nó.
Năm nay, 700 cây sầu riêng giống Monthong của gia đình vào mùa thu hoạch. Dự kiến sản lượng đạt khoảng 30 tấn quả. Còn khoảng 1 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch chính nhưng những ngày này, điện thoại reo liên tục, thương lái ở các nơi tìm đến nhà trả giá, đặt cọc tiền thu mua. Có thương lái trả giá 80-85 ngàn đồng/kg rồi đấy nhưng tôi chưa đồng ý”-ông Ayăi bộc bạch.
Hướng phát triển mới của làng Bahnar
Làng Ktu hiện có 270 hộ, trong đó, người Bahnar chiếm 99%. Bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp với diện tích khoảng 2.000 ha. Trước đây, dân làng trồng lúa, trồng mì để có cái ăn.
Hơn 10 năm nay, thấy người Kinh phát triển kinh tế bằng các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, người dân Ktu đã từng bước tiếp cận, học hỏi rồi làm theo, dần chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như liên kết trồng 400 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C, trồng hồ tiêu sạch và đặc biệt là áp dụng mô hình trồng sầu riêng xen trong vườn cà phê. Từ đó, đời sống của bà con ngày càng ổn định, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, một số hộ có thu nhập mỗi năm từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Cây sầu riêng trồng xen canh vườn cà phê của anh Quư. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ở cạnh nhà ông Ayăi, gia đình anh Quư cũng khấp khởi trông chờ vụ thu hoạch sầu riêng năm nay. Anh Quư tâm sự: “Năm 2019, thấy bà con trong làng trồng sầu riêng xen với cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác, tôi cũng mua 100 cây về trồng.
Năm ngoái, gia đình đã thu bói mùa quả đầu tiên, bán được hơn 100 triệu đồng. Năm nay, với lượng quả to đều như thế này, tôi nhẩm tính ước đạt 10 tấn quả. Với giá 80 ngàn đồng/kg, gia đình đã có khoản thu không hề nhỏ rồi. Mấy ngày nay, nằm nghĩ và ra thăm vườn sầu riêng mà vui cái bụng lắm! Tôi mong sầu riêng sẽ giữ mức giá như thế này trong vài năm tới.
Mới đây, tôi cũng vừa xuống giống thêm 200 cây sầu riêng nữa. Đây sẽ là hướng phát triển kinh tế của gia đình trong những năm tới. Có mấy người ở làng khác tới hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, tôi cũng chỉ bày tận tình và còn nói thêm rằng phải biết chịu khổ mới trồng được cây sầu riêng, đồng thời trồng sầu riêng xen với cà phê để lấy ngắn nuôi dài”.
Người Bahnar ở làng Ktu hiện trồng khoảng 50 ha sầu riêng, hộ nào cũng có ít nhất 20-30 cây. Thực hiện: Nguyễn Diệp |
Để người dân có cơ hội chia sẻ, học hỏi nhau cách trồng sầu riêng, đầu năm 2024, làng Ktu đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăm sóc sầu riêng với 12 thành viên đều là người Bahnar. Ông Nheng-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp chăm sóc sầu riêng-thông tin: Tổ hội tập hợp những người có nhiều kinh nghiệm về trồng sầu riêng.
Trong các buổi sinh hoạt, các thành viên đều chia sẻ về những kiến thức, bài học kinh nghiệm mình có được trong quá trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây sầu riêng… Ví dụ như sau khi thu hoạch quả thì tiến hành vệ sinh vườn, tỉa cành, bón phân và tưới nước nhỏ giọt cho cây; tùy vào sự phát triển của cây mà có tiến hành “ép” cho ra hoa để thu hoạch trái vụ hay không.
“Lúc mới trồng sầu riêng, bản thân tôi cũng chưa biết nhiều về kỹ thuật nên gặp không ít trở ngại, khó khăn. Sau vài năm học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước thì mọi thứ lại trở nên thuận lợi, cứ tuân thủ đúng quy trình trồng, chăm sóc thì cây sầu riêng sẽ phát triển đạt hiệu quả kinh tế cao nhất”-ông Nheng nói. Cũng theo ông Nheng, hiện nay, nhiều thương lái đã đến xem vườn sầu riêng của nhiều hộ trong làng đặt cọc giá thu mua.
Người dân làng Ktu bảo vệ sầu riêng tránh bị thiệt hại do gió mạnh. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Phạm Đình Duy-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ktu-cho biết: Khi ông Ayăi tiên phong trồng cây sầu riêng, bà con trong làng đã rất tò mò. Nhiều người cho rằng, cuộc sống gia đình vốn rất khó khăn rồi, giờ lại để đất mà trồng sầu riêng thì sau này biết tiêu thụ ở đâu. Tuy nhiên, qua thời gian, mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Ayăi đã mang lại hiệu quả rõ rệt, từ đó dân làng đã thay đổi nhận thức và làm theo ông ấy.
Làng hiện có khoảng 50 ha sầu riêng, hộ nào cũng trồng, ít nhất 20-30 cây. Dự kiến vụ thu hoạch năm nay, có 5 hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng, hàng chục hộ thu nhập vài trăm triệu đồng, số hộ thu bói sầu riêng 1-3 tấn cũng khá nhiều.
“Bà con thường có tâm lý không muốn khoe thu nhập cao, khi được hỏi thăm thì nhiều người lại nói giảm. Theo kết quả rà soát năm 2023, làng còn 52 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều và 58 hộ cận nghèo. Hy vọng với giá sầu riêng và cà phê như hiện nay thì từ nay đến cuối năm 2024, số hộ nghèo trong làng sẽ giảm đáng kể”-ông Duy chia sẻ.
Ông Phạm Văn Hảo-Chủ tịch UBND xã Kon Gang: Ktu là một trong những làng điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương. Bà con Bahnar rất cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm giàu, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là trên cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng.
Thời gian tới, UBND xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan của huyện mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng cũng như các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, định hướng xây dựng mã số vùng trồng cho cây sầu riêng để phát triển theo hướng thâm canh bền vững, hướng đến xuất khẩu.