Chư Pah: Nâng cao mức sống các gia đình chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên cạnh giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, huyện Chư Pah còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao mức sống các gia đình chính sách trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê, toàn huyện Chư Pah hiện có 1.027 đối tượng chính sách đang được hưởng trợ cấp hàng tháng. Những năm qua, 100% gia đình chính sách trên địa bàn huyện thường xuyên được quan tâm kịp thời, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách. Cùng với đó, huyện tập trung ưu tiên hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, cấp giống, phân bón để các gia đình chính sách có thêm điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Ông Rơ Châm Yo (giữa) bên căn nhà sửa chữa rộng rãi. Ảnh: Đinh Yến
Là một trong nhiều gia đình chính sách vừa được hỗ trợ sửa chữa nhà ở và vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, ông Rơ Châm Yo (làng Ngó 3, xã Ia Ka, người từng bị địch bắt tù đày) cho biết, năm 2018 ông đã được chính quyền địa phương hỗ trợ 25 triệu đồng sửa chữa lại căn nhà dột nát. “Ở cái tuổi gần đất xa trời, tôi còn được ở trong căn nhà ấm áp, cao ráo thế này là hạnh phúc lắm”-ông Yo bày tỏ. Cùng với đó, ông còn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 40 triệu đồng để trồng cà phê, mua bò giống. Hàng tháng ông Yo được hưởng chế độ trợ cấp gần 900.000 đồng/tháng. Dịp lễ, Tết, ông còn được chính quyền, các ngành, các cấp đến thăm, tặng quà. “Là gia đình chính sách, tôi luôn giáo dục con cháu học hành, siêng năng làm ăn, góp sức xây dựng quê hương”-ông Yo nói.
Với thương binh Siu Vum (làng Duch 2, xã Ia Kreng), với hơn 700 cây cà phê 2 năm tuổi đang cho thu bói, gia đình ông đã có được “quả ngọt” sau khi chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Ông Vum vui mừng kể: “Trước đây, trên diện tích này tôi trồng bời lời. 3 năm trở lại đây, giá bời lời xuống thấp sau khi được xã hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng cà phê, tôi đã mạnh dạn phá bỏ bời lời để trồng cà phê. Ngoài ra, tôi còn tận dụng trồng chuối quanh bờ lô, vừa chắn gió cho cây cà phê vừa có thêm thu nhập. Sau hơn 1 năm trồng chuối, gia đình thu được 15 triệu đồng. Nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng, thu nhập của gia đình tôi đã được cải thiện đáng kể. Là thương binh nặng, tôi còn được Nhà nước trợ cấp 1,6 triệu đồng/tháng”.
Trao đổi với P.V, ông Rơ Châm Giang-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pah-cho biết: Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước đã góp phần giúp cho đời sống của người có công và gia đình chính sách trên địa bàn được nâng lên đáng kể. Đến cuối năm 2018, huyện Chư Pah cơ bản không còn hộ chính sách nghèo và người có công khó khăn về nhà ở; đời sống tinh thần được nâng lên; những tồn tại, vướng mắc về chế độ chính sách đều được giải quyết thỏa đáng. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã nỗ lực vươn lên và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển huyện nhà.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của xã hội. Điển hình như Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Lưu Thị Sinh (thị trấn Ia Ly) 500.000 đồng/tháng; Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh, huyện tặng 20 sổ tiết kiệm cho 20 hộ người có công gặp khó khăn trong cuộc sống với tổng số tiền 100 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, huyện đã tổ chức thăm hỏi, tặng 417 suất quà cho người có công và gia đình chính sách trong các dịp lễ, Tết. Huyện còn chỉ đạo chặt chẽ việc chi trả chế độ, giải quyết hồ sơ thủ tục nhanh gọn với người có công và gia đình chính sách. Công tác cấp phát thẻ bảo hiểm y tế luôn kịp thời, đảm bảo cho người có công được khám-chữa bệnh theo chế độ ưu tiên. Từ đầu năm đến nay, huyện đã thực hiện tốt chế độ điều dưỡng tại nhà cho 349 đối tượng, lên kế hoạch đưa đón 14 người đi điều dưỡng tại TP. Đà Nẵng vào cuối tháng 7.
Đặc biệt, trong những ngày tháng 7 tri ân này, toàn huyện đang tổ chức nhiều hoạt động từ huyện đến xã nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Theo kế hoạch, từ ngày 20 đến 25-7, các xã, thị trấn trong huyện tổ chức gặp mặt các đối tượng người có công; thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ ốm đau, hoạn nạn; tiếp nhận và giải quyết chính sách bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, giải quyết chế độ thương binh cho 2 đối tượng; tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh cho các thương-bệnh binh, gia đình chính sách. Ngoài ra, huyện còn trích ngân sách đi thăm, tặng 50 suất quà (500.000 đồng/suất) cho 50 đối tượng chính sách tiêu biểu trên địa bàn; phối hợp các cơ sở Đoàn dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang các phần mộ, bia tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ...
“Hỗ trợ chăm sóc, nâng cao mức sống cho các gia đình chính sách, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là việc làm thiết thực nhằm tri ân sự cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc của các anh hùng liệt sĩ, thương-bệnh binh. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thời gian tới huyện Chư Pah sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công, các gia đình chính sách trên địa bàn”-ông Giang nhấn mạnh.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm