Chư Pah: Nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Chư Pah hiện còn 7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó 3 xã nghèo nhất là: Ia Kreng, Chư Jôr và Chư Đăng Ya với tỷ lệ hộ nghèo từ 23% đến gần 60%. Những năm qua, huyện đã thực hiện nhiều chương trình giúp người dân vươn lên thoát nghèo nhưng công tác này hiện vẫn gặp không ít khó khăn.  

Khó khăn về đất sản xuất

Mới đây, tôi có dịp đi cùng đoàn từ thiện về tặng quà cho người nghèo xã Ia Kreng. Khi thấy đoàn từ thiện đến trao quà, người nào cũng vui, dù phần quà ấy chỉ là 10 kg gạo, những bộ quần áo cũ và nhu yếu phẩm hàng ngày. “Trời mưa cả tháng nay rồi không có ai thuê đi làm nên nhiều hộ đến gạo nấu cháo cũng không có, giờ được nhận quà bà con vui lắm!”-ông Siu Bkol, già làng Dút 2, trải lòng.

 

Tặng quà cho hộ nghèo xã Ia Kreng. Ảnh: Đ.Y

Cầm phần quà trên tay, ông Siu Sek-Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ia Kreng, than thở: “Từ ngày Nhà nước xây dựng thủy điện Sê San 3, đất sản xuất của bà con ngập trong biển nước. Người dân cũng đã được di dời, tái định canh định cư nhưng tại nơi ở mới, đất làm lúa nước không có, mỗi hộ chỉ được cấp một ít đất sản xuất cằn cỗi, bạc màu, chỉ trồng được mì, điều và bời lời. Năm nào mì được mùa thì bà con có đủ gạo ăn cả năm. Nhưng năm nay thời tiết thất thường, mưa nhiều, mì gần đến thu hoạch thì thối củ, dân làng mình đói lắm”.

Là xã khó khăn nhất của huyện Chư Pah, Ia Kreng có 3 làng (Díp, Duch 1 và Duch 2) với 495 hộ, 1.845 nhân khẩu, trong đó 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn xã chiếm hơn 57%. Dù xã Ia Kreng có diện tích đất tự nhiên trên 11.000 ha nhưng đất sản xuất nông nghiệp chỉ có gần 700 ha, còn lại là đất lâm nghiệp. Trong 700 ha đất nông nghiệp,  diện tích đất làm được lúa (chủ yếu là lúa cạn) chỉ khoảng 12 ha. Ông Phạm Thanh Xuân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng, cho biết: Bà con trong xã cũng chịu khó làm ăn, nhưng vì còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Phần lớn đất ở Ia Kreng là đất sỏi đá, chỉ phù hợp trồng cây mì, bời lời, điều và lúa cạn.  

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng, thời gian qua, xã đã nghiên cứu nhiều loại cây trồng, vật nuôi để giúp người dân nâng cao cuộc sống nhưng chưa tìm được cây trồng nào phù hợp trên đất nhiều đá nên hiện tại chỉ hướng dẫn bà con trồng cây bời lời và điều. Còn vật nuôi, xã đang định hướng vận động người dân phát triển đàn bò theo hướng chuyển dần sang chăn nuôi bò lai, trồng cỏ nuôi bò.

Tương tự Ia Kreng, xã Chư Jôr nằm lọt thỏm dưới thung lũng, đất sản xuất là đất cát bạc màu nên hiệu quả thấp. Để mưu sinh, một số hộ phải đi làm thuê hoặc thuê đất ở xã Chư Đăng Ya trồng cà phê, hồ tiêu, dong riềng  nên nhiều hộ vẫn bị đói giáp hạt.

Cần giải pháp phù hợp

Những năm qua, huyện Chư Pah đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện phát triển thế mạnh từng vùng. Đặc biệt, huyện đã nỗ lực triển khai các Chương trình 134, 135, định canh định cư, vay vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách Xã hội, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ khám-chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ giáo dục, làm nhà ở…

Cùng với đó, các hộ nghèo cũng đã nỗ lực tự vươn lên. Song thực tế hiện nay là những chính sách hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn còn nhỏ lẻ, đầu tư dàn trải nên chưa phát huy hết hiệu quả. Chẳng hạn, hợp phần hỗ trợ sản xuất do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thực hiện; hỗ trợ giống cây-con lại do Trạm Khuyến nông đảm trách; cho vay vốn hộ nghèo thì các Hội, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện triển khai; Phòng Dân tộc thì tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng về công tác giảm nghèo. Còn các chính sách về bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ các chế độ chính sách, cấp gạo cứu đói, quản lý sự tăng-giảm số hộ thoát nghèo và thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững thì do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện thực hiện.

Trao đổi với P.V, ông Rơ Châm Giang-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pah, cho rằng: Nên thực hiện chương trình giảm nghèo theo lộ trình “cuốn chiếu”. Có nghĩa là tất cả các chương trình quốc gia hỗ trợ hộ nghèo giảm nghèo bền vững cần được thu về một đầu mối và thành lập ra một Ban Quản lý hỗ trợ hộ nghèo để có sự đầu tư tập trung hơn. Việc hỗ trợ cần thực hiện đến từng hộ nghèo, có danh sách cụ thể, tư vấn, tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu của hộ nghèo để đầu tư. Tiêu biểu như dự án mô hình giảm nghèo bền vững do Phòng đang thực hiện hỗ trợ giống vật nuôi đến từng hộ, sau đó, có cán bộ nông nghiệp, thú y thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con. Mặt khác, khi các chính sách được quy về một đầu mối, được thực hiện dứt điểm từng hộ, từng làng, từng xã, gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đến khi hoàn thiện chương trình, đạt hiệu quả thì Ban Quản lý hỗ trợ hộ nghèo mới chuyển sang các xã, làng, hộ nghèo khác. Làm được như vậy, công tác giảm nghèo mới đạt hiệu quả.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm