Chư Prông: Quan tâm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Chư Prông (Gia Lai) có 48,6% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và việc triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, bộ mặt nông thôn và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi.
 

Cán bộ xã Ia Boòng hướng dẫn gia đình chị Rơ Mah Kel cách chăm sóc bò. Ảnh: Đinh Yến


Nông thôn khởi sắc

Sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn của huyện Chư Prông, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi rõ rệt. Đến cuối năm 2018, toàn huyện có 5/19 xã đạt chuẩn NTM; cuối năm 2019, xã Thăng Hưng phấn đấu cán đích NTM và năm 2020 sẽ là xã Ia Lâu.

Ông Phạm Vũ Tú-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Nguồn vốn thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2016 đến nay là 410,6 tỷ đồng để triển khai làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng trường học, hội trường xã, nhà văn hóa thôn, nhà làm việc của Công an, Ban Chỉ huy Quân sự xã, mắc điện chiếu sáng và hoàn thiện bộ phận một cửa. Huyện cũng tập trung cấp phát giống, phân bón, hỗ trợ bò sinh sản theo Quyết định số 102 của Thủ tướng Chính phủ cho hộ nghèo. Đồng thời, hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số sản xuất nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Ngoài ra, huyện còn thành lập được 5 hợp tác xã nông nghiệp, hoạt động bước đầu đi vào nền nếp.

Cùng với đó, huyện triển khai thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn với 2.128 hộ được thụ hưởng, tổng kinh phí trên 6,8 tỷ đồng. Đồng thời, với chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn huyện có 1.598 hộ được thụ hưởng với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 12,7 tỷ đồng.

“Với phương châm “Trao cần câu hơn cho xâu cá”, phương pháp hỗ trợ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế được huyện chú trọng và phát huy tính tự lực của hộ dân, thay đổi phương thức sản xuất, đồng thời tiếp cận với các loại cây, con giống cho hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững. Chương trình khuyến nông đã hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác và phát triển kinh tế theo hướng thâm canh, đa canh cây trồng”-ông Phạm Vũ Tú cho biết thêm.

Hiện nay, nhiều xã trên địa bàn huyện Chư Prông đã thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ hộ nghèo thay đổi phương thức sản xuất, tiêu biểu là các xã Ia Drăng, Ia Boòng, Ia Lâu... Ông Đoàn Anh Ngọc-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Boòng-cho hay: Trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng mì, bắp, lúa một vụ theo phương thức quảng canh. Việc đổi mới cách thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân diễn ra chậm nên năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa cao, trong khi tiềm năng đất đai của xã còn nhiều. Vì thế, xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng với chính sách hỗ trợ về giống, phân của Nhà nước cho hộ nghèo, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng, một số gia đình mở rộng diện tích kết hợp chăn nuôi gà, vịt dưới tán cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Hộ nghèo nỗ lực vươn lên

Theo ông Lê Văn Ba-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, nhờ chính sách dành cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có gần 1.000 hộ thoát nghèo. Đến nay, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số toàn huyện còn 2.222 hộ, khoảng cách giàu nghèo giữa các xã trên địa bàn huyện cũng được thu hẹp đáng kể. Năm 2019, Chư Prông phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,12% trở lên.

Gia đình chị Rơ Mah Kel (làng Klũh Klãh, xã Ia Boòng) là hộ nghèo nhất làng. Năm 2017, gia đình chị được Trạm Khuyến nông huyện lựa chọn tham gia mô hình trồng cà phê vối. Chị Kel chia sẻ: “Khi được tham gia mô hình, tôi đã chuyển 5 sào đất trồng mì sang trồng cà phê. Được Nhà nước hỗ trợ giống và được cán bộ nông nghiệp huyện, xã hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tôi rất yên tâm làm theo. Sau hơn 2 năm, 700 cây cà phê đã cho thu bói. Ba năm tiếp theo, vườn cà phê bước vào giai đoạn kinh doanh, mỗi năm sẽ cho thu vài chục triệu đồng. Trước đây, khi còn trồng mì, diện tích này mỗi vụ chỉ cho thu 5-6 triệu đồng. Hiện giờ, gia đình mình còn được Nhà nước cấp bò giống, bò đã đẻ bê con. Đây là cơ hội thoát nghèo cho gia đình mình”. Tương tự, trước đây, gia đình anh Kpuih Han (làng Thung, xã Ia Kly) thuộc diện nghèo vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Anh Han chia sẻ: “Sau khi được hỗ trợ giống cây trồng, tập huấn kỹ thuật trồng cà phê, bời lời, hồ tiêu, lúa nước, không chỉ riêng tôi mà nhiều gia đình trong làng đã vượt qua đói nghèo, mỗi năm thu gần 80 triệu đồng từ cà phê, hồ tiêu, lúa nước 2 vụ”.

Trao đổi với P.V,  Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông khẳng định: “Việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân, tạo động lực quan trọng để đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững. Kết quả đạt được là cơ sở để huyện tiếp tục phát huy hiệu quả các chính sách, dự án đi đôi với vận động nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.

 

Đinh Yến


 

Có thể bạn quan tâm