Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Prông: Siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, huyện Chư Prông, Gia Lai đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ kiến thức pháp luật cho người kinh doanh; tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp nhằm hạn chế tối đa các hành vi gian lận thương mại, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Theo ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông, hiện nay, trên địa bàn huyện có 187 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng. Các cơ sở này tập trung chủ yếu ở thị trấn Chư Prông và các xã Ia Drăng, Ia Băng, Ia Piơr, Thăng Hưng. Để làm tốt công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, huyện Chư Prông đã có nhiều văn bản chỉ đạo, phân cấp chức năng, nhiệm vụ cho các ngành và các địa phương trong tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng các sản phẩm. Trong đó, huyện chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp để chủ các cơ sở kinh doanh nắm vững và chấp hành đúng quy định pháp luật; đồng thời, giám sát chặt chẽ việc tổ chức các hội nghị, hội thảo quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm vật tư nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân.
Một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Chư Prông. Ảnh: H.T
Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương trong huyện cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng sản phẩm vật tư nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và chỉ nên mua tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh uy tín, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh. Ông Trần Hiếu-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Prông-cho biết: Được các ngành chức năng của tỉnh giới thiệu, thị trấn đã phối hợp với ngành chức năng của huyện cùng một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu về các sản phẩm vật tư nông nghiệp có thương hiệu. Trên cơ sở đó, thị trấn vận động doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tiếp cận các sản phẩm có thương hiệu và chất lượng đảm bảo; đồng thời, nêu cao trách nhiệm của hộ kinh doanh trong việc mua bán các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, tránh kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng. “Hạn chế nhất của nông dân trên địa bàn là chưa tiếp cận được các sản phẩm sinh học để phục vụ sản xuất. Do đó, các ngành, các cấp cần tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận các doanh nghiệp có uy tín để tìm kiếm sản phẩm vật tư nông nghiệp có chất lượng, trong đó có các dòng sản phẩm sinh học để đưa vào sản xuất; tăng cường quản lý nhà nước về nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác các sản phẩm và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế”-ông Hiếu kiến nghị.
Bà Phạm Thị Ái-chủ doanh nghiệp tư nhân Tấn Dũng (thị trấn Chư Prông), có thâm niên 13 năm kinh doanh phân bón, chia sẻ: “Trong kinh doanh, kinh nghiệm của chúng tôi là luôn chọn bán những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng để tránh rủi ro và mang lại hiệu quả cho người tiêu dùng. Đồng thời, chúng tôi cũng thực hiện tốt các quy định pháp luật đã được địa phương phổ biến để xây dựng uy tín, thương hiệu của mình”.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Bên cạnh công tác tuyên truyền, các ngành chức năng của huyện Chư Prông cũng tăng cường phối hợp với một số ngành chức năng của tỉnh và Đội Quản lý Thị trường số 4 tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong năm 2018, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra 63 cơ sở và phát hiện nhiều cơ sở vi phạm với các nội dung như: không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; không có hoặc có hóa đơn nhưng không hợp lệ để chứng minh nguồn gốc của sản phẩm; chưa niêm yết bảng giá... Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc sản phẩm; vườn nhân chồi ghép không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vườn cây đầu dòng. Năm 2019, qua kiểm tra 18 cơ sở, đoàn phát hiện cả 18 cơ sở đều vi phạm các nội dung chủ yếu như: không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, không có nhãn hàng hóa, không đủ điều kiện kinh doanh phân bón. Qua đó, đoàn đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 62,25 triệu đồng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông cho hay, hiện nay, khó khăn nhất trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện là việc kiểm tra, kiểm soát chủ yếu thực hiện về mặt xuất xứ, nhãn mác chứ không có thiết bị kiểm tra trực tiếp chất lượng sản phẩm; đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, kiểm tra chưa được đào tạo cơ bản. Ngoài ra, nhiều văn bản pháp luật về quản lý vật tư nông nghiệp còn chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở cho việc kinh doanh một số mặt hàng không có xuất xứ, không rõ nguồn gốc. “Để quản lý tốt chất lượng vật tư nông nghiệp, theo tôi, Nhà nước cần đầu tư hệ thống thiết bị đo lường; ngành chức năng và các địa phương tăng cường thực hiện đúng nhiệm vụ theo Quyết định 21/2017/QĐ-UBND tỉnh quy định phân công, phân cấp cơ quan quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản. Ngoài ra, các xã, thị trấn cần giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông, quảng cáo các mặt hàng vật tư nông nghiệp; tiếp tục tuyên truyền các văn bản hướng dẫn về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống trên địa bàn và khuyến cáo người dân nên chọn mua sản phẩm vật tư nông nghiệp tại các cơ sở có uy tín được Nhà nước cấp phép hoạt động”-ông Luyến cho hay.
 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm