Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Chư Prông thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với kết quả đạt và vượt 17/22 chỉ tiêu đề ra trong năm 2022, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã tạo được nền tảng để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII và HĐND huyện nhiệm kỳ 2021-2026.
 

Nhiều kết quả ấn tượng

Ông Vũ Đình Hạnh-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội của huyện năm 2022 đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đạt và vượt 17/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra.

Theo đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất của huyện (theo giá so sánh năm 2010) đạt 10,94%; tổng diện tích gieo trồng là 76.890 ha, đạt 102,8% kế hoạch, tăng 3,08% so với năm 2021. Trong năm, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý nhà nước về ngân sách, đẩy mạnh triển khai các nguồn thu trên địa bàn. Đến nay, tổng thu ngân sách của huyện là 100,5 tỷ đồng, đạt 177,6% so với dự toán tỉnh giao, đạt 150% so với Nghị quyết HĐND huyện giao.

Người dân huyện Chư Prông chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: Hà Duy


Hoạt động thương mại-dịch vụ được duy trì ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và mua sắm của người dân. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng buôn lậu và gian lận thương mại. Tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2022 là 2.826 tỷ đồng, đạt 103,9% kế hoạch, tăng 11,4% so với năm ngoái.

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, theo Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch Nguyễn Văn Ân: Huyện đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; kiểm tra và báo cáo tiến độ giải ngân theo đúng quy định. Tổng kế hoạch vốn đầu tư cho các công trình xây dựng cơ bản theo kế hoạch đầu năm 2022 do huyện quản lý đầu tư là 158,973 tỷ đồng. Đến nay, các công trình năm 2021 chuyển tiếp sang năm 2022 đã hoàn thành, các công trình khởi công mới đang tiếp tục thi công theo tiến độ được duyệt; giá trị giải ngân đạt 67% kế hoạch vốn được giao.

Chất lượng hoạt động của các ngân hàng được nâng cao, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất kinh doanh. Tổng nguồn vốn huy động trong năm 2022 là 1.799 tỷ đồng, tăng 31,2% so với năm 2021, tổng dư nợ là 2.448,7 tỷ đồng, tăng 4,32% so với năm ngoái.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp, các ngành của huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho nông thôn, trong đó xác định những tiêu chí ưu tiên đầu tư để tập trung triển khai; đồng thời, yêu cầu các xã đánh giá cụ thể thực trạng từng tiêu chí để trên cơ sở đó tập trung triển khai các tiêu chí sớm có khả năng hoàn thành; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai những công việc chưa cần có sự đầu tư của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: “Bình quân mỗi xã đạt được 13,6 tiêu chí NTM. Lũy kế đến nay, toàn huyện đã có 7/19 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 36,8%, gồm các xã: Bàu Cạn, Ia Phìn, Ia Băng, Ia Drăng, Ia Boòng, Thăng Hưng, Ia Lâu. Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, bên cạnh duy trì các tiêu chí, tiếp tục phấn đấu đạt các tiêu chí NTM nâng cao. Cùng với đó, huyện tiếp tục triển khai đề án xây dựng làng NTM trong các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện cũng chú trọng triển khai Chương trình OCOP và trong năm đã có 8 sản phẩm được đánh giá cấp huyện, trong đó 5 sản phẩm đạt trên 50 điểm”.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Chính sách người có công, công tác an sinh xã hội được quan tâm đúng mức. Các vấn đề bức xúc xã hội, đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết. Kỷ cương, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước từng bước được nâng lên. Quốc phòng-an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Khắc phục hạn chế để phát triển

Trong 22 chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội của huyện đề ra trong năm 2022 còn 5 chỉ tiêu chưa đạt. Để khắc phục những chỉ tiêu chưa đạt trong năm 2022 cũng như tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, huyện đã xây dựng kế hoạch với các chỉ tiêu cụ thể để nỗ lực phấn đấu như: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 7,74%; tổng diện tích gieo trồng đạt 76.745 ha; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt 69,34 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.600 tỷ đồng; diện tích trồng rừng mới đạt 457,45 ha.

Mô hình nuôi dê hiệu quả của chị Siu H'Chuyên-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Sơr (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy
Ông Vũ Đình Hạnh-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện: Chư Prông là huyện biên giới, tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, trình độ còn hạn chế, tình hình an ninh chính trị vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Vì vậy, huyện tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương; nâng cao tỷ lệ và chất lượng lao động qua đào tạo gắn với giải quyết việc làm, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%, giải quyết tạo việc làm cho 2.750 lao động. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Mục tiêu của huyện trong năm 2023 là tiếp tục giữ vững nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống người dân. Cùng với đó là đẩy mạnh cải các hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tăng cường củng cố quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, một số giải pháp mang tính căn cơ, sát sườn đã được huyện đề ra. Đó là tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo quy hoạch; chú trọng phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Huyện cũng xác định sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung, phát triển các dự án ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

“Chúng tôi tiếp tục huy động toàn bộ hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phấn đấu năm 2023, toàn huyện có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, triển khai hiệu quả xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Triển khai có hiệu quả các chính sách trồng rừng theo quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu trồng mới 457,45 ha rừng; đồng thời, tích cực triển khai công tác giao rừng, cho thuê rừng đối với diện tích rừng hiện do UBND cấp xã quản lý, đảm bảo toàn bộ diện tích rừng có chủ thực sự. Huyện cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đặc biệt là sẽ triển khai đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Gạo Ia Lâu”-ông Luyến cho hay.

Ngoài ra, huyện cũng tiếp tục huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, ưu tiên đầu tư cho các công trình, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023, bố trí vốn đầu tư phát triển cho các công trình, dự án quan trọng, thiết yếu thuộc các ngành, lĩnh vực để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu đã nêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025).

Ở lĩnh vực văn hóa-xã hội, huyện tập trung nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường công tác y tế dự phòng, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng-chống dịch bệnh, nhất là các loại dịch bệnh theo mùa; hoàn thành chỉ tiêu bảo hiểm y tế giai đoạn 2021-2025. Huyện cũng chú trọng thực hiện có hiệu quả phong trào vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa và gia đình văn hóa đảm bảo thực chất.

 

 HÀ DUY - NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm