Chư Pưh: Hướng tới mô hình dạy học bán trú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của học sinh mẫu giáo và tiểu học, đồng thời duy trì sĩ số ở những xã vùng khó, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Chư Pưh đang hướng tới mô hình dạy học bán trú.

Thực tế cho thấy, ngành GD-ĐT huyện Chư Pưh đang gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu thốn. Điều đó gây ra những trở ngại nhất định trong công tác dạy-học, đặc biệt là khó khăn cho việc xây dựng mô hình bán trú.

 

Học sinh Trường Mẫu giáo Họa Mi (thị trấn Nhơn Hòa) được học tập theo mô hình bán trú. Ảnh: N.G
Học sinh Trường Mẫu giáo Họa Mi (thị trấn Nhơn Hòa) được học tập theo mô hình bán trú. Ảnh: N.G

Trao đổi về vấn đề này, ông Đậu Sĩ Quốc-Trưởng phòng GD-ĐT huyện, cho biết: “Trường học bán trú là mô hình giáo dục cần nhanh chóng hướng tới vì mang lại rất nhiều lợi ích cho học sinh. Khi xây dựng mô hình này (đặc biệt là mô hình bán trú nhưng hoạt động như một trường nội trú tại vùng học sinh dân tộc thiểu số)thì giáo viên sẽ phải hy sinh rất nhiều vì họ không được hưởng bất kỳ một chế độ nào như trường nội trú. Tuy vậy, ngành vẫn mong muốn được đầu tư về cơ sở vật chất để có điều kiện chăm sóc học sinh một cách tốt nhất”.

Huyện Chư Pưh có 37 trường học các cấp từ mẫu giáo đến THCS nhưng hiện chỉ có 5 trường mẫu giáo tại thị trấn Nhơn Hòa tổ chức dạy-học bán trú (trong đó có 2 trường mầm non tư thục). Trường Mẫu giáo Họa Mi dù đã tổ chức mô hình bán trú nhiều năm nay nhưng cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu. Cô Nguyễn Thị Hồng Hoa-Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Quy mô của nhà trường chỉ ở mức gần 200 cháu nên hàng năm vẫn gặp những áp lực trong tuyển sinh khi không thể đáp ứng được hết nhu cầu gửi con của phụ huynh. Về cơ sở vật chất phục vụ bán trú, nhà trường vẫn còn thiếu nhà ăn cho học sinh, bếp ăn một chiều chưa đạt chuẩn. Những vật dụng bán trú khác như kệ, tủ... chưa được cung cấp đủ nên nhiều năm qua phụ huynh vẫn phải đóng góp để mua sắm cho các cháu. Chúng tôi rất mong muốn được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, từ đó có điều kiện chăm sóc các cháu tốt hơn”.

Còn tại những xã vùng khó, vùng dân tộc thiểu số, mô hình trường học bán trú đang rất được mong đợi bởi nhiều lý do. “Việc duy trì sĩ số học sinh ở những xã vùng sâu gặp khó khăn do tỷ lệ học sinh chuyên cần không cao, các em thường xuyên vắng học vì hay theo bố mẹ lên rẫy khi đến mùa thu hoạch, xuống giống. Nếu xây dựng được mô hình bán trú hoạt động theo hình thức của một trường học nội trú tại những khu vực này thì sẽ giải quyết được vấn đề về duy trì sĩ số học sinh, sau đó mới bàn tới việc nâng cao chất lượng giáo dục”-ông Đậu Sĩ Quốc cho biết thêm.

Bên cạnh việc thúc đẩy xây dựng mô hình dạy-học bán trú, ngành GD-ĐT huyện Chư Pưh hiện đang triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục sao cho đi vào thực chất chứ không chạy theo thành tích. Từ vài năm nay, ngành GD-ĐT huyện Chư Pưh đã tiến hành kiểm tra chất lượng đầu vào, bàn giao chất lượng, giao khoán chất lượng. Cuối mỗi năm học, các đoàn công tác của Phòng GD-ĐT sẽ kiểm tra chất lượng, khi học sinh hoàn thành chương trình học theo đúng yêu cầu thì giáo viên mới được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ. Quy trình này đã buộc giáo viên phải phát huy hết khả năng, nghiệp vụ sư phạm để phân loại học sinh, tiến hành phụ đạo giúp các em theo kịp chương trình học và tiến tới hoàn thành chương trình.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm